Sự thể là thế này, trong khi thảo luận về các phương án giúp dân thoát
nghèo, ông Giàng Seo Phử cao hứng nói: “Chúng tôi nghiên cứu đồng bằng
sông Cửu Long, đến vùng này tôi thấy tình hình đi làm thuê và bán vé số
rất phổ biến nhưng có thu nhập cao, họ đủ trang trải cho một ngày ăn.
Nhưng phía Bắc ngoài này đi làm như thế, vé số không ai mua, không bán
vé số được và ngày mai cũng không thể xuống sông, xuống biển đi bắt được
con cá để ăn, bán, vậy chính sách phải như thế nào?
Đối với đồng bằng sông Cửu Long những nghề như thế có được công nhận là
một nghề không? Tôi gọi là nghề làm thuê, có thu nhập thì được công nhận
là vấn đề xóa đói, giảm nghèo có được không? Bán vé số tôi cho là có
thu nhập cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước rất cao, chúng ta cần phải
nghiên cứu tiếp vấn đề này”.
Và rồi, ông Phử lại đề nghị: “Các đồng chí ở đồng bằng sông Cửu Long
nghiên cứu xem có xóa đói, giảm nghèo không? Nếu chúng ta không tính
những yếu tố này vào mà chỉ tính những tiêu chí chung như của cả nước
thì đây là vấn đề bỏ qua, bị sót, trong khi đó người ta thu nhập chính
từ vé số, tôi đề nghị chúng ta phải tính toán”.
Nghe phát biểu của ông Phử tại phiên thảo luận tường thuật trực tiếp tới
toàn dân, nhiều ĐBQH đã bật cười. Những cái cười đầy ẩn ý. Có lẽ, vì
phát biểu của ông Phử lạ quá, chẳng khác gì một phát minh của thế kỷ.
Phải nói rằng chưa bao giờ có một vị Bộ trưởng nhắc tới đời sống khổ sở
của những người bán vé số ngay tại Quốc hội và động viên họ “đấy là nghề
có thu nhập cao”. Nghe phát biểu của ông Phử hẳn là sẽ có nhiều người
mừng đến rớt nước mắt vì chắc là “nghề bán vé số” của họ cũng còn sung
sướng hơn khối những nghề khác.
Nhưng phát biểu của ông Phử cũng khiến cho nhiều người bán vé số lo
lắng, bởi họ chẳng biết nghề của mình “thu nhập cao” thật hay không?
Chẳng biết Bộ trưởng Phử đánh giá trên tiêu chí nào mà gọi đó là “nghề
có thu nhập cao”?
Để bán được vài tấm vé số có khi họ phải đi bộ hàng chục ki-lô-mét mỗi
ngày dưới cái nắng như thiêu như đốt. Mà mỗi tấm vé số tính ra họ chỉ
được hưởng chưa tới 300 đồng. Ấy thế nên một người bán vé số có thu nhập
vào loại cao nhất cũng chỉ được 100 nghìn đồng mỗi ngày. Còn trung bình
cũng chỉ kiếm được sáu bảy chục nghìn. Sau khi trừ chi phí cho bản thân
một cách thật tằn tiện thì giỏi lắm cũng chỉ để được ra chưa tới 1
triệu đồng mỗi tháng. Đấy là khi mọi chuyện suôn sẻ, còn nếu không thì
cũng chẳng biết thế nào mà lần, bởi trong số hàng nghìn người đi bán vé
số có rất nhiều người nghèo đến mức chỉ mang sức ra bán thuê.
Nhiều đứa trẻ lít nhít còn đang ở tuổi ăn, tuổi học cũng đã phải đi bán
vé số phụ giúp gia đình. Chúng bán thuê vé số và cũng phải chịu nhiều áp
lực, nếu không bán đủ số vé đã giao thì chẳng những không có cơm ăn mà
còn phải chịu đòn. Nhặt nhạnh vài trăm đồng từ những chiếc vé số và phải
chịu muôn vàn cơ cực, nhưng họ vẫn làm, vì đó là cách để tồn tại, và
hơn cả, họ có lòng tự trọng, không muốn trở thành gánh nặng của xã hội.
Còn nhớ vào năm ngoái khi bàn về phương án nâng khởi điểm chịu thuế lên 7
triệu hay 9 triệu đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói:
“Trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đã gọi là thu
nhập cao chưa? Tôi áng cỡ Chính phủ đưa ra 9 triệu là chưa cao, chỉ đủ
sống thôi”.
7 triệu hay 9 triệu mặc dù chưa cao và chỉ đủ sống như lời của Chủ tịch
Quốc hội, nhưng nó đã là một ước mơ xa xỉ với hàng nghìn người bán vé
số. Thế nên có người bảo, Bộ trưởng Phử chỉ cao hứng nói đùa thôi. Có
lẽ, Bộ trưởng đang tư duy rằng, mức thu nhập ấy là cao so với những
người nghèo hơn nữa, đấy là những người đang được nhà nước chu cấp gần
như tất cả.
No comments:
Post a Comment