Ngày 1/11, dân số Việt Nam đạt 90 triệu người. Nhiều hoạt động cộng
đồng được Bộ Y tế tổ chức để đánh dấu mốc quan trọng và nhiều ý nghĩa
trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của quốc gia. Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mốc dân số này đã chậm 11 năm so với dự báo lẽ ra đạt được vào năm 2002.
"90 triệu là con số rất ý nghĩa, đánh dấu sự thành công của công tác
vận động dân số kế hoạch hóa. Thứ hai, Việt Nam đã trở thành cường quốc
về quy mô dân số trên thế giới, đứng thứ 14 trên thế giới", ông Trọng
nhấn mạnh.
2013 người diễu hành tại TP HCM hưởng ứng sự kiện Việt Nam đón công dân thứ 90 triệu. Ảnh: Hữu Nguyên.
|
Bên cạnh đó, theo ông Trọng, số dân lớn này tạo ra nhiều thách thức về
mặt kinh tế xã hội. 90 triệu người có thể tạo ra nguồn nhân lực khổng
lồ, cú hích cho nền kinh tế, song đồng thời cũng tiêu dùng khối lượng
lớn của cải. "Với nguồn lực còn nhiều
hạn chế như hiện nay, Việt Nam cần sự nỗ lực rất lớn để phát triển kinh
tế, có thể sánh vai với các cường quốc 5 châu", ông Trọng nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng phân tích,
công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam vẫn đang đối mặt
với nhiều khó khăn, thách thức như mức sinh còn rất khác nhau giữa các
tỉnh, các vùng miền; tỷ số giới tính khi sinh có sự chênh lệch, già hóa
dân số nhanh, chất lượng dân số còn thấp, chưa tận dụng hết cơ hội của
"dân số vàng"... Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả hệ thống
chính trị, các cấp, các ngành.
Sau cuộc tổng điều tra dân số năm 1989, các nhà khoa học dự báo vào năm
2010 dân số Việt Nam là 105 triệu người. Theo dự báo đó, lẽ ra dân số
cán mốc 90 triệu người từ năm 2002. Trong
hơn 20 năm qua, Việt Nam đã tránh sinh được 21 triệu trường hợp, góp
phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tiến tới
thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp
Quốc vào năm 2015.
No comments:
Post a Comment