Ngô Nhân Dụng
Một điều tôi vẫn tin tưởng là con người ta có thể sống tử tế với nhau. Ông Mạnh Tử nổi tiếng khi tuyên bố loài người có tính lành (thuyết tính thiện). Nhưng không cần đọc sách ông; mình chỉ cần nhìn chung quanh cũng nghiệm thấy không sai.
Hãy cứ tự hỏi như thế này: Nếu không có tính lành thì làm sao loài người đạt được những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, cả đến văn chương, nghệ thuật; trong trăm ngàn năm ở trên trái đất, từ thủa ăn lông ở lỗ cho đến bây giờ? Lắm lúc đi máy bay tôi lại nghĩ đến người đầu tiên chế ra cái máy nổ, không có ông ấy thì mình đâu có thể ngủ một giấc, thức dậy bỗng thấy mình đang ở London, hay Moskva? Nhưng sau nhà phát minh đó, còn biết bao nhiêu người nghĩ ra những thứ lặt vặt khác, để cho cái máy bay có tốc độ nhanh mà đi lại êm như thế! Mọi tiến bộ đều là kết quả của những cộng tác giữa người với người, giữa những người hoàn toàn xa lạ, có khi sống cách nhau mấy thế kỷ! Chắc hẳn loài người phải rất tử tế; những người không tử tế ít lắm, không đáng kể.
Nói chuyện triết lý như vậy, để kể chuyện ăn trộm. Tôi chắc số người đi ăn trộm trên thế giới này rất ít. Cả đời tôi, sống đã 74 năm, bị ăn trộm chỉ có hai lần, cách nhau mươi năm, vụ sau cùng đã năm bảy năm nay rồi. Sự kiện xảy ra hiếm như vậy chứng tỏ số các người làm nghề ăn trộm chẳng có bao nhiêu. Tội nghiệp những anh chị em đã bẻ khóa cửa để vào nhà tôi ăn trộm; cả hai lần chẳng ai lấy trộm được cái gì cả. Phải nói lại: Chẳng lấy được thứ gì ráo trọi. Vì trong nhà không có gì có thể lấy đem bán được vài chục đô la hết. Tội nghiệp họ lắm chứ. Họ làm việc suốt mấy tiếng đồng hồ, một công việc khá nặng nhọc. Công việc căng thẳng (stressful) hơn cả việc viết báo bị chủ bút giục nộp bài (trước sáu giờ chiều và phải từ 1500 tới 2000 chữ). Có ông ăn trộm vào nhà tôi mở toang các cửa tủ, kéo hết các thứ hộp, thứ lọ chứa trong đó ra lục soát; rồi lôi tất cả các ngăn kéo ném xuống đất; thấy cái bao thư, cái gói vải, túi ni lông nào cũng banh ra coi. Họ đi khắp các phòng, trong bếp, trong hành lang, phòng sách, cho đến các kệ tủ trong garage. Mấy tấm đệm nặng trịch trên giường, như sức tôi phải hai người khiêng, cũng được lôi xuống đất. Công việc chắc phải mất vài ba tiếng. Thế mà chẳng lấy về được một thứ gì cả. Nếu đi làm, lương tối thiểu, cũng được mấy chục đô la, ăn được ba tô phở, mà lại đỡ bị “stress.”
Không những căng thẳng mà còn làm mình chán đời nữa. Khi nhìn thấy mấy món nữ trang giả ném bừa trên mặt đất, càng thấy tội nghiệp. Chắc họ phải thất vọng kinh lắm. Còn chúng tôi thì nhân khi dọn dẹp lại có dịp lựa ra những món đáng lẽ phải vứt đi từ 20 năm trước mà vẫn chất trong nhà, đem cho hay vứt vào thùng rác.
Khi cảnh sát đến, họ hỏi có nghi ngờ ai không, tôi nói không nghi ngờ ai cả. Nghi oan thì có tội, nghi đúng rồi để cảnh sát điều tra, bắt được người ta thì cũng tội, vì các thủ phạm có lấy được gì đâu? Nhưng cảnh sát họ nhận xét rằng đây có vẻ là người Á Châu (Họ không nói người Việt Nam). Vì di dân gốc Châu Á hay cất tiền mặt ở trong nhà, và cũng thích trưng diện đồ trang sức đắt tiền; tâm lý này thường chỉ dân gốc Á biết với nhau chứ bọn ăn trộm người Mỹ hay Mễ không biết.
Nghe cũng có lý. Một chị bạn chúng tôi bữa rồi mới đem cho một thúng đầy trái hồng. Chị hẹn đến ngày nhãn chín sẽ đem cho thúng nữa. Chị kể, hai cây trồng ở vườn sau nhà chị sai trái quá đi. Nhưng cứ đến mùa trái chín là có người vào ăn trộm. Tôi hỏi: Ðâu phải kẻ trộm nào cũng biết ăn hồng với ăn nhãn? Chị nói ngay: Khu nhà em ở nhiều người Việt mình lắm. Ðồng bào mình cả, có thế chứ! Chị lại than: Không những họ lấy trái ăn mà còn vứt rác ra đầy cả vườn cho mình phải dọn nữa! Thế thì không tốt. Tôi đề nghị nếu bà con đến ăn trộm thường xuyên như vậy chị viết tấm bảng treo lên cây.
Viết: Xin ai hái trái cây ăn xong thì làm ơn đem vỏ và hạt bỏ vô thùng rác, thứ thùng mầu xanh lá cây dành cho rác thảo mộc. Nếu lễ phép thì trên cùng viết: Kính gửi các ông bà ăn trộm.
Cách cư xử này không có gì mới lạ. Nhiều người bị trộm đã từng viết thư hay lời nhắn gửi cho kẻ trộm. Ở Toronto, nước Canada, có một anh bị mất chiếc xe đạp khá đắt tiền. Sau nhờ một người bạn chỉ cho, anh tìm thấy lại xe mình khóa, dựng ở ngoài đường, anh đã nhờ anh bạn cắt cả dây khóa sắt, lấy về. Rồi anh vẽ hình một cái xe đạp trên bìa cứng lớn bằng cái xe thật để lại chỗ cũ. Anh viết lá thư cho người ăn trộm như thế này: “Ðồ chó! Anh cầm nhầm cái xe đạp của tôi hôm đầu tuần mà quên không nói tôi biết anh để nó ở đâu. May là có người bạn tôi thấy nó ở đây. Thôi, tôi rất cần cái xe này, tôi lấy lại. Hãy dùng tạm cái xe đạp vẽ này, cho tới khi anh có tiền mua xe thật!” Ký tên: metrocycleto. Tái Bút: Cái xe bên trái này cũng khóa bằng cái dây khóa giống hệt, có phải anh cũng ăn trộm nó không? Người bạn anh chụp hình, đưa lên mạng, cả thế giới ai cũng biết được.
Báo Telegraph ở bên Anh mới kể một câu chuyện bữa Chủ Nhật tuần này. Có hai vợ chồng trên 30 tuổi ở Northampton, Anh quốc, đi vắng buổi tối, về nhà thấy trộm đã phá cửa kính vào lấy đồ và làm nhà cửa tung tung lên. Thay vì than thở với nhau, họ đã viết cho bọn ăn trộm một lá thư, gắn trước cửa và đưa lên mạng. Thư viết:
Các bạn ăn trộm thân mến,
Cảm ơn các bạn đã ghé thăm hôm rồi và chúng tôi rất tiếc không có gì nhiều hơn để bạn lấy. Bạn thấy đó, chúng tôi không xài sang, cho nên xin đừng tới nữa; trừ khi bạn muốn lấy bộ băng video VHS và các cassettes của tôi - Dan rất buồn vì các bạn coi thường không lấy mấy cái băng đó. Nếu bạn thích chúng thì cứ đến gõ cửa mà hỏi - không cần phải phá cửa ra vườn sau, vì phải dọn đống kiếng bể cực lắm. Cảm ơn bạn đã để lại các dấu ngón tay - chúng tôi rất vui khi được thấy những dấu tay này.”
Ký tên Kate và Dan sau hàng chữ “Thương nhiều”(Lots of love).
Dan kể với nhà báo, Kate rất thích mấy cuốn băng VHS và các cassettes nên chất đầy nhà làm anh phát chán chỉ muốn tống khứ hết, mà bọn trộm lại không giúp anh!
Hồi Tháng Tám năm 2013 vừa rồi, có một cô ở thành phố Vancouver bên Canada đã làm như vậy. Cô Kayla Smith mất một cái xe đạp, giá tới cả ngàn đô la. Hôm sau có người bạn mách cô rằng trên mạng bán đồ cũ Craigslist có đứa rao bán một cái xe đạp mô tả giống hệt xe của cô. Thứ xe đắt tiền này không nhiều người mua. Cô Kayla bèn viết cho người bán xe đạp theo địa chỉ email trên Craigslist, hẹn gặp nhau để coi xe. Hai người gặp nhau ở chỗ đậu xe ngoài một quán ăn.
Nhìn cái xe, Kayla nhận ra ngay đây là xe mình. Cô hỏi: Cho đạp đi thử nhé? Sau giây lát ngần ngừ, anh ta bằng lòng, còn dặn: Cô không đi luôn nghe! Nhưng chạy xe một quãng rồi Kayla đạp đi luôn không sợ hắn rượt theo. Cô đã gọi điện thoại cho mấy người bạn, nhờ đến chỗ hẹn để canh chừng. Anh bán xe ngó quanh thấy có biến, tự động co giò chạy.
Craigslist là thứ Chợ Giời thời mạng máy vi tính, Internet. Tại thành phố New Haven, tiểu bang Connecticut hôm rồi, vợ chồng anh Rabbi Noah Muroff đi mua một cái bàn giấy trên Craigslist. Không đưa được cái bàn vô phòng, họ tháo gỡ để sau ráp lại. Khi mở ra, họ khám phá sau cái ngăn kéo có một gói, đựng 98,000 đô la. Hai vợ chồng nhìn nhau; quyết định phải đem trả. Họ tìm được chủ nhân cái bàn, đem tiền đến tận nhà, mang theo cả bốn đứa con cho chúng được học phải giữ đức lương thiện và thành thật.
Ở Việt Nam cũng nhiều người lương hảo như thế. Hai năm trước có chuyện cô Phạm Thị Lành, 29 tuổi, ở Bến Lức, tỉnh Long An, đi bán vé số. Ðến ngày sắp mở số còn một sấp vé chưa bán được, đã gọi điện thoại cho một khách mua quen thuộc, nài nỉ ông mua giùm. Ông Ðỗ Ngọc Tuấn, 41 tuổi, làm nghề chạy xe ba gác đã từng hứa mua như vậy nhiều lần và sau ngày mở số vẫn trả tiền sòng phẳng dù không vé nào trúng. Lần này, ông Tuấn hứa mua cả sấp 20 cái vé. Ðến khi mở số, cô Lành thấy trong sấp vé đó có 10 vé vừa trúng độc đắc vừa giải an ủi tổng cộng 6.6 tỉ đồng (khoảng 330,000 đô la).
Cô Lành gọi điện thoại nói, “Anh cầm 200,000 đồng tới quán cà phê Cây Mai trả cho tui đi. Mấy tờ anh mua trúng độc đắc rồi nè!” Rồi cô đem trả sấp vé cho ông Tuấn.
Tóm lại, trong thế giới này ở đâu cũng đầy những người tử tế. Nếu mình ăn ở tử tế, thế nào cũng sẽ gặp nhiều người tử tế. Không những thế, mình có thể giúp những người chưa tử tế sẽ trở về với lối sống tử tế. Tổ tiên người Việt mình còn tin rằng ai ăn ở tử tế sẽ giúp cho con cháu sau này sẽ được gặp những người tử tế. Niềm tin đó gọi là “Phúc đức ông bà.” Tôi vẫn tin nhờ phúc đức ông bà để lại nên trong đời mình đã gặp nhiều may mắn. Cho nên trong cuốn sách Ðứng Vững Ngàn Năm mới xuất bản, ở bài chót tôi đã đề nghị người Việt mình hãy sống tử tế với nhau đi, để xây dựng tương lai. Có người bạn hỏi tại sao lại kết thúc một cuốn sách về ngàn năm Bắc thuộc như vậy. Tôi viết bài này để trả lời bạn. Nếu mình không tin người Việt Nam có thể sống tử tế với nhau thì còn tin cái gì nữa?
No comments:
Post a Comment