Không có gì quá đáng khi nói người Việt có cả ngàn năm ăn bún vậy mà ngày nay dưới thời cộng sản, thị trường lại bùng nổ bún có chất phát sáng, bún thuốc tẩy, bún có hóa chất độc hại...
Các chợ lớn chợ nhỏ khắp Sài Gòn vẫn thản nhiên bán bún trắng sáng. (Hình: Phùng Thức/Người Việt) |
Mới đây ông giám đốc Sở Y Tế Sài Gòn xác nhận: Ðến nay vẫn chưa có liên hệ nào giữa cơ quan chức năng với trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng trong việc thông tin giám sát chất lượng bún.
Như vậy là sau hơn cả tháng ồn ào chuyện bún độc hại, bún nhúng hóa chất cấm vẫn cứ ra lò đều đều và người quan tâm cũng chỉ biết thụ động chia sẻ với vị giáo sư nổi tiếng Chu Phạm Ngọc Sơn là: “Tôi thấy chỉ duy nhất ở Việt Nam người ta cho tinopal vào bún. Từ trước tới nay trên thế giới, trong các bài báo, nghiên cứu chưa ghi nhận chuyện này bao giờ.”
Vậy hóa chất tinopal là gì: Ðây là một hợp chất làm sáng quang học, được thêm vào chất tẩy giặt với mục đích làm sản phẩm giặt trông thấy trắng hơn, sáng hơn. sạch hơn. Vậy bên cạnh chất tinopal có khả năng gây vô sinh, đột biến tế bào (theo FPA tổ chức bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) thì trong bún Việt Nam hiện nay còn có các hóa chất cấm khác như acid oxalic, sodium benzoate giữ bún tươi lâu...
Dạo một vòng các chợ lớn chợ nhỏ ở Sài Gòn thấy các quầy bán bún vẫn cứ sáng trắng giữa ban ngày. Cố gắng tiếp cận một người bán bún ở chợ Phú Ðịnh, quận 6, thì được nghe bà biện minh.
“Bún người ta giao thì mình bán, mắc gì sợ, hỏi thử bán bún không trắng sáng ai mua. Trách là trách người mua đòi hỏi trắng, bởi vậy lò bún họ mới đua nhau làm trắng. Chịu ăn bún thường như ngày xưa thì đâu nên nỗi.”
Bún trắng sáng độc hại ở Việt Nam còn hứa hẹn trắng sáng hơn nữa. (Hình: Phùng Thức/Người Việt) |
Cái lý của người bán bún phần nào cũng nói lên được thực trạng không ít người tiêu dùng chỉ quan tâm đến vẻ ngoài của món hàng. Nhưng nếu khoảng 200 lò bún ở riêng Sài Gòn đuổi theo nhu cầu bún trắng, trắng sáng hơn nữa thì sẽ ra sao?
Chúng tôi thử đặt vấn đề trên với một nhà thơ rất thích ăn bún, anh nói: “Chắc sẽ có ngày thành bóng ma trắng sáng như bún quá. Nhưng theo tôi trách nhiệm để bún đầu độc người dân thuộc về hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm của chế độ. Họ ăn lương từ tiền thuế dân rồi ăn thêm tiền lót tay của các chủ lò bún năm này qua năm khác mới sanh chuyện bún trắng tệ hại này.”
Từ ngày Sài Gòn ồn ào chuyện bún độc hai, nhiều Việt kiều điện, mail về hỏi thăm rằng dân mình còn dám ăn bún nữa không? Xin thưa là các hàng quán bán bún ở Sài Gòn có hơi ế một hai bữa rồi đâu lại vào đó, chỗ quán bán món bún ngon dù có dùng bún sáng quắc cũng nườm nượp khách ăn.
Một nhà báo trẻ, thuộc một tờ báo mạng lớn nhất nước nói: “Hôm tôi đi Bình Dương, bạn bè mời ăn món bún bì nổi tiếng tôi lắc đầu không dám. Cánh trẻ cỡ tôi ngày nay chuyển sang sống để ăn cả rồi. Cứ món ngon là bất kể.”
Ở một quán bún riêu bình dân trên vỉa hè thuộc quận Tân Bình, chúng tôi hỏi chuyện bún với một cô nhân viên đang trên đường đi làm ghé vào ăn sáng.
Cô trả lời: “Biết, ai mà chẳng biết bún độc hại, thế ăn gì cơ, chuẩn ăn sáng của em chỉ từ mười đến mười lăm nghìn, hủ tiếu gõ, bánh cuốn, bánh phở ư, thứ gì cũng phát sáng hết, bác chỉ cho em thứ gì ăn không độc nào, bọn nhà báo nó la ầm lên đấy, có thằng quan nào làm được gì. Mà có chết mỗi mình đâu mà lo.”
Qua chuyện bún độc hại và ăn bún độc hại, những ai quan tâm lại thấy rằng, số đông người Việt Nam bất kể già trẻ đang trở nên thụ động cam chịu đến lạ lùng. Nhưng nếu trách họ thì cũng nên có cách nhìn rộng hơn rằng, đã là người Việt thì dứt khoát không thể không ăn bún. Nhưng ngày nay, lúc này, bún không độc hại và các món bún ngon chế biến từ thực phẩm sạch như ngày xưa có đâu mà ăn.
No comments:
Post a Comment