Một
nhà báo ngoại quốc, ông Jonathan Head, đến Việt Nam quan sát và tường
thuật đám tang ông Võ Nguyên Giáp cho đài BBC, nhận xét rằng trong số
những người đến bày tỏ lòng thương tiếc và ngưỡng mộ ông, ngoài các cựu
chiến binh lớn tuổi còn có hàng ngàn thanh niên, nhiều người chưa ra đời
khi ông Giáp bị gạt ra khỏi Bộ Chính Trị đảng cộng sản năm 1982.
Jonathan
Head viết: "... những hàng dài thanh niên với nét mặt buồn bã chẳng kém
vẻ mặt của các cựu chiến binh.” Nhưng Head cũng nhận xét, “Những khẩu
hiệu Marxist cũ rích vẫn được đảng Cộng sản Việt Nam rao giảng nhưng
không còn gì hấp dẫn với thế hệ trẻ, vốn đã biết sống theo khuynh hướng
xã hội tiêu dùng; và biết những cơ hội mà kinh tế thị trường mang lại
cho họ.” Trong khi đó, thì “Tướng Giáp đã luôn trung thành với các khẩu
hiệu cũ rích đó... Ông không bao giờ đi chệch đường lối chính sách hay
nói về bất cứ nghi ngờ hay mối lo khủng hoảng nào của chế độ... Thay vào
đó, ông vẫn hùng hồn nói về quy luật tất yếu lịch sử là chủ nghĩa cộng
sản sẽ thắng kinh tế tư bản.”
Võ Nguyên Giáp luôn luôn đóng vai
trò một đảng viên cộng sản gương mẫu, tức là lúc nào cũng tin tưởng ở lý
thuyết cộng sản và chấp nhận tất cả các quyết định của đảng, như trong
mục này đã viết. Nhưng giải thích như vậy cũng không đầy đủ cho câu hỏi,
như Huỳnh Thục Vy mới viết, tại sao ông Giáp “lặng thinh một cách vô
cảm” trong nhiều trường hợp đáng lẽ phải lên tiếng.
Ông Giáp tuân
theo lệnh đảng trước mọi quyết định đối với cá nhân. Vì vậy, ông cắn
răng cam chịu khi bị nhóm Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ tước hết quyền hành. Ông
Giáp vẫn giữ chức tổng tư lệnh, bí thư Quân Ủy Trung Ương; còn làm phó
thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, ủy viên Bộ Chính trị của đảng Cộng sản
Việt Nam cho đến năm 1975 nhưng nhiều người chỉ có Lê Duẩn chịu trách
nhiệm về cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam. Ông mất chức bí thư Quân
Ủy năm 1977, mất chức bộ trưởng Quốc Phòng năm 1980, rồi năm 1982 bị
loại khỏi Bộ Chính Trị.
Sau đó, Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ còn công khai
làm nhục ông khi phong Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch Ủy Ban Dân Số và
Sinh Ðẻ Có Kế Hoạch, tức chương trình hạn chế sinh sản, còn gọi là cai
đẻ. Với chức vụ tổng chỉ huy chiến dịch cai đẻ của ông, dân miền Bắc đã
đặt câu ca dao chế nhạo: “Ngày xưa đại tướng cầm quân - Ngày nay đại
tướng cầm quần chị em - Ngày xưa đại tướng công đồn, vân vân.”
Không
ai nghe ông Giáp than phiền lời nào khi bị nhóm Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ hạ
nhục trước mặt cả nước như thế. Nhưng trong chín năm làm phó thủ tướng
phụ trách khoa học, kỹ thuật, từ 1982 đến 1991, cũng không ai thấy nước
Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể nào về khoa học, kỹ thuật. Ngay cả
việc sinh đẻ có kế hoạch cũng không ra gì; bằng cớ là dân số Việt Nam đã
tăng vọt từ đó tới nay.
Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ là những người đồng
thời với Võ Nguyên Giáp, dù địa vị thấp hơn nhiều. Ông chịu thua họ,
cũng là điều chấp nhận được. Nhưng sau đó, cả đám thuộc hạ hàng thứ ba,
hạng tư, như Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười lại hạ nhục ông Giáp thêm một lần nữa.
Họ phổ biến các tài liệu tố cáo ông từng là con nuôi của chánh sở mật
thám Ðông Dương, Louis Marty; từng bán bí mật quân sự cho Ðại sứ Liên Xô
Serbakov; còn trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ thì Giáp hèn nhát, sợ
chết, quanh quẩn trong hầm, không dám ra ngoài (Gần đây, ông Bùi Tín xác
nhận rằng hầm trú ẩn của ông Giáp khá an toàn, nằm ngoài tầm trọng pháo
của quân Pháp). Ðó là chưa kể cái tội ăn nằm với một cô giáo tới nhà
dạy piano. Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười đã đuổi Võ Nguyên Giáp ra khỏi Trung Ương
Ðảng, một hành động trước đó Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ còn tha, chưa nỡ tước
bỏ. Bọn Lê Duẩn lột bỏ mũ mãng của Giáp nhưng còn cho mặc cái quần; bọn
Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh lột hết. Trong mấy chục năm, Bộ Chính Trị đặt ra
những chức cố vấn. Lê Ðức Thọ, Phạm Văn Ðồng, Võ Chí Công, vân vân, rồi
sau này tới Võ Văn Kiệt, Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười đều được mời vào chức cố
vấn; nhưng không ai ngó tới Võ Nguyên Giáp.
Võ Nguyên Giáp không
bao giờ phản đối, cũng không hề cất tiếng than phiền về thân phận của
mình. Lúc bị hạ bệ, đẩy xuống phụ trách việc cai đẻ, ông Giáp có thể từ
chức, về hưu, vì đã ở tuổi 70 rồi, để tỏ thái độ, và giữ gìn danh tiết
của một con người, nhất là của một ông tướng. Nhưng ông không dám cãi.
Thái độ chịu đựng đó cũng thấy trong vụ Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ phát động
“Vụ Án Xét Lại Chống Ðảng.” Họ nhắm vào ông Giáp nhưng không đánh trực
tiếp, mà tấn công vào những người đồng chí trung thành của ông: Thượng
tướng Chu Văn Tấn, tư lệnh Quân Khu Việt Bắc; Thiếu tướng Ðặng Kim Giang
chỉ huy hệ thống hậu cần trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ; Tướng Lê Liêm;
Trung tướng Trần Ðộ; người tiếp nhận việc đầu hàng của tướng de
Castries; Ðại tá Ðỗ Ðức Kiên cục trưởng tác chiến; Ðại tá Phạm Quế
Dương; ông Hoàng Minh Chính; Ðại tá Lê Minh Nghĩa, chánh văn phòng Bộ
Tổng Tham Mưu, trưởng đoàn quân sự Việt Nam trong hội nghị Trung Giá;
Ðại tá Ðỗ Ðức Kiên; Ðại tá Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng Cục Quân Báo; Ðại
tá Nguyễn Văn Hiếu chánh văn phòng Bộ Quốc Phòng; và Tổng biên tập báo
Quân đội Nhân dân Hoàng Thế Dũng, vân vân. Tất cả bị vu cáo tội “chống
đảng, xét lại, làm gián điệp cho nước ngoài.” Võ Nguyên Giáp biết những
lời cáo buộc đó đều là ngụy tạo, nhưng ông không bao giờ mở miệng, không
bênh vực, không bảo vệ, hay giúp đỡ những đồng đội trung thành đang bị
bè lũ cầm quyền đàn áp.
Thái độ “chui trong hầm trú ẩn” của ông
không biểu lộ trong đời tư mà thôi; trong cả việc công cũng vậy. Ông
Giáp không nói một lời nào khi các chính sách kinh tế của đảng làm dân
tộc kiệt quệ, nhiều nông dân chết đói, trong lúc ông đang làm phó thủ
tướng. Gần đây, ông không hề lên tiếng khi đảng cộng sản đàn áp dân Việt
Nam biểu tình chống Trung Cộng lấn chiếm Biển Ðông và đánh giết ngư dân
Việt Nam. Ông không bàn một lời nào đến nạn tham nhũng lan tràn, hoàn
toàn im lặng khi các nông dân mất ruộng, mất nhà đi biểu tình phản đối
khắp nước. Việc ông lên tiếng về vụ bô xít giúp người ta nhớ đến ông;
nhưng sau đó ông lại tiếp tục chui xuống hầm; bị coi là chỉ “đánh trống
bỏ dùi.” Trước sau, ông Võ Nguyên Giáp vẫn chui dưới hầm, ngoài tầm pháo
kích của các đồng chí đang nắm quyền sinh sát.
Giải thích thái
độ im lặng của ông Giáp bằng tinh thần kỷ luật của một đảng viên trung
kiên thì không đủ. Nhiều đảng viên và tướng lãnh đã từng lên tiếng phản
đối chính quyền cộng sản tham nhũng, lệ thuộc Trung Cộng, và bất lực về
kinh tế.
Các tướng Trần Ðộ, Nguyễn Văn Vịnh, Ðại tá Phạm Quế Dương, họ đâu có cam ngậm miệng khi thấy lòng dân phẫn uất?
Cho nên, ông Võ Nguyên Giáp lựa chọn chui xuống hầm chỉ vì lo cho chính ông, và con cháu ông.
Ông
Giáp biết các đồng chí trong đảng Cộng sản không từ bỏ một thủ đoạn nào
khi họ cần bảo vệ quyền hành. Họ cướp được chính quyền là nhờ dám giết
người nhiều hơn, tàn bạo hơn những đối thủ chính trị của họ. Chính ông
đã chỉ huy các vụ tàn sát các đảng phái quốc gia yêu nước trong năm
1946; ngụy tạo vụ Ôn Như Hầu để bắt, giết các chiến sĩ Quốc Dân Ðảng,
Ðại Việt Dân Chính, những người thoát chết phải sang Trung Quốc lưu
vong. Ông đã biết rằng trong đảng bất cứ ai cũng có thể bị thủ tiêu. Ông
biết những cái chết bất đắc kỳ tử mờ ám của bộ trưởng Dương Bạch Mai
hay Ðại Tướng Hoàng Văn Thái. Sống trong chế độ cộng sản, không ai được
an toàn. Ngay sau khi Lê Duẩn chết, các con ông ta còn hỏi Phó Thủ tướng
Trần Duy Thành: Liệu “họ” có giết chúng cháu không; theo lời ông Thành
kể trong hồi ký.
Mối lo lắng của ông Võ Nguyên Giáp được biểu lộ
ngay cả khi chữa bệnh. Bác sĩ Phạm Văn Ngà, người săn sóc sức khỏe cho
ông trong 30 năm, kể rằng: “Ðại tướng có một nguyên tắc bất di bất dịch
là không bao giờ uống thuốc của ai đưa cho, kể cả con cái, trừ Bác sĩ
Ngà.”
Nhờ biết thân, biết phận, giữ mình như vậy, ông vẫn được
chế độ hậu đãi. Ông được cung cấp đủ dinh thự, xe cộ, phụ tá, nhân viên
văn phòng, bác sĩ, y tá thường trực, vệ sĩ, người giúp việc, và mọi thứ
bổng lộc, phụ cấp. Vì ông biết giữ mồm giữ miệng. Lâu lâu ông lại được
các thuộc cấp cũ còn tại chức mời dự tiệc, liên hoan, để thấy mình vẫn
còn được trọng vọng. Nhưng luôn luôn giữ mồm, giữ miệng; không nói một
lời nào “chệch hướng.” Trong đời tư, ông được người ta kính trọng vì lối
sống đơn giản, không chạy chọt cho con em làm giầu quá đáng, như các
quan chức lớn khác. Ðó cũng là điều Jonathan Head coi là lý do tại sao
nhiều cựu chiến binh và giới trẻ còn ngưỡng mộ, đi viếng tang Tướng
Giáp.
Nhà báo Jonathan Head viết: “Ông là người giản dị, lịch
thiệp và sống đơn giản, họ nói với tôi.” Lời giải thích này khiến
Jonathan Head thấy những người dân đi viếng tang ông Giáp là để phản
kháng đám lãnh tụ cộng sản đang cầm quyền, một cách gián tiếp. “Những
phẩm chất họ ngưỡng mộ nơi ông cũng chính là điều khiến họ bất bình cực
độ với giới lãnh đạo hiện nay. Những người đó đã để nạn tham nhũng và
trục lợi cá nhân hoành hành; những người đó không đủ cứng rắn khi đối
phó với Trung Quốc,” vân vân. Jonathan Head kết luận, “Sau khi chết, ông
Giáp lại được người dân nhìn nhận như một biểu tượng của tất cả những
gì mà các lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay không có.” Nguyễn Phú
Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang chắc cũng hiểu được thông điệp
này. Phản kháng một cách gián tiếp chắc không đủ để bọn họ chuyển lòng,
chú ý đến lợi ích của dân Việt Nam hơn. Nhưng trong đám tang ông Giáp,
người dân làm được tới đó là quý lắm rồi. Bởi vì con người ông Giáp
không thể nào khích lệ cho ai đứng lên phản kháng một cách mạnh mẽ hơn
được. Chính ông là tấm gương nhịn nhục, chịu đựng suốt đời, để được sống
an thân, khi chết thì được nghe điếu văn, truy điệu. Chắc chắn đó không
phải là một tấm gương cho những thanh niên thời nay, như Huỳnh Thục Vy,
Nguyễn Uyên Phương!
No comments:
Post a Comment