Cả bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng đọc tại Hội nghị Shangri-La, Singapore, chỉ hô khẩu hiệu, rất nhiều khẩu hiệu, chỉ nói những quy tắc chung chung, nhưng không dám đả động tới một điều gì cụ thể. Ðặc biệt, Nguyễn Tấn Dũng né tránh không dám đụng tới Trung Cộng, ngay cả khi bị một nữ ký giả của Bắc Kinh thách thức.
Nói những chuyện chung chung thì cũng giống như hô khẩu hiệu, một tập quán của các cán bộ cộng sản. Những ý kiến được Nguyễn Tấn Dũng nêu lên, nếu ai nói thì cũng nói giống như vậy. Và nói ở đâu, nói lúc nào cũng thích hợp cả! Thí dụ, Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các nước “cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn...” Nói như vậy thì ai chẳng nói được? Hoặc một câu được coi là ý kiến mới mẻ đối với Cộng sản Việt Nam: “Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất)” (nhấn mạnh trong nguyên văn). Nhưng câu nói này, về vai trò của Trung Quốc và Mỹ, nếu đặt vào miệng bất cứ một người nào, dù đó là tổng thống Phi Luật Tân, thủ tướng Campuchia, cũng đều nói như vậy cả. Ðiều mà người dân Việt Nam muốn một ông thủ tướng phải nói lên, là những gì gay go nhất trong mối quan hệ riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc; nhưng không được ông ta nêu lên, dù chỉ nói bóng bẩy.
Bài diễn văn hô toàn khẩu hiệu, giống như các tay quản giáo thường lên lớp, sau khi học thuộc lòng. Nguyễn Tấn Dũng nêu ra các quy tắc ứng xử, các nhu cầu an ninh trong vùng Biển Ðông; những điều ai cũng biết cả rồi. Nhưng Dũng lại không dám nêu tên một nước nào cụ thể đã vi phạm các quy tắc hay thỏa hiệp đó. Trong lúc Nguyễn Tấn Dũng nói ở Singapore thì ở trong nước Việt Nam lòng người đang sôi sục. Giới trí thức, thanh niên Việt Nam đang hô hào biểu tình chống Cộng sản Trung Hoa lấn cướp. Vì các tàu hải giám, chiến hạm Trung Cộng vẫn tiến vào những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; lính Trung Cộng tiếp tục bắt người Việt, đâm cho vỡ tàu, bắn súng vào tàu đánh cá của người Việt Nam. Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn không dám nhắc đến tên chính quyền Trung Quốc, thủ phạm của các hành động xâm lược trắng trợn đó, mặc dù đã nhắc tới các xung đột đang gây căng thẳng trong vùng. Tóm lại, cả bài diễn văn là một màn múa võ tránh né, không dám nói gì tới những mối lo cụ thể của nước Việt Nam, không dám nói tới mối đe dọa của Trung Cộng trên vùng biển nước ta ngay trong lúc này.
Một ý kiến được coi là “mới nhất” do Nguyễn Tấn Dũng nói lên ở hội nghị, là nhắc tới vai trò của Mỹ ở trong vùng Ðông Nam Á. Nhưng ngay khi phát biểu ý kiến này, Nguyễn Tấn Dũng cũng không dám nêu ra như một điều mình suy nghĩ, mà chỉ nhắc lại lời người khác, đã nói từ năm ngoái! Dũng nói: “Tôi cũng đồng tình với ý kiến của ngài Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phát biểu tại Bắc Kinh Tháng Chín năm 2012, cho rằng sự hợp tác tin cậy và trách nhiệm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đóng góp tích cực cho lợi ích chung của khu vực.” Nói như vậy để chứng tỏ với Bắc Kinh rằng việc đặt Mỹ lên ngang hàng với Trung Quốc trong vùng biển Ðông Nam Á “không phải ý kiến tôi!” Lý Hiển Long đã nói từ năm ngoái rồi, tôi chỉ nhắc lại sau khi không thấy các đồng chí phản đối Lý Hiển Long thôi!
Ðến lúc họp báo, trả lời câu hỏi của các ký giả, Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục “không dám nói cụ thể,” “không dám gọi thẳng tên.” Chắc trước khi đi Singapore, Nguyễn Tấn Dũng đã hứa sẽ kiên trì tuân thủ đường lối nói “vô tội vạ” này, không dám “đi chệch hướng.” Bài diễn văn rõ ràng chỉ nói những điều “vô thưởng vô phạt,” “không làm ai mất lòng.” Dùng ngôn ngữ quen thuộc của đồng bào ta bây giờ, đó là một thái độ “vô cảm.”
Thái độ vô cảm này chỉ có một lý do: Sợ phản ứng của Bắc Kinh. Nếu trước khi đi phó hội, Nguyễn Tấn Dũng chưa cam kết với sứ quán Trung Cộng ở Hà Nội sẽ theo lối nói vô cảm, thì chắc cả Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định quy tắc sống đó rồi. Nguyễn Tấn Dũng kiên quyết không chỉ đích danh Trung Quốc! Không được nhắc đến các tội ác cụ thể của Bắc Kinh! Kể từ khi Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng kéo nhau sang Thành Ðô xin quy thuận năm 1992, các lãnh tụ cộng sản Việt Nam không có lựa chọn nào khác. Những người cầm đầu đảng hay chính phủ ở Việt Nam không ai dám nói thẳng những nỗi bất bình của dân Việt đối với Trung Cộng nữa.
Cho nên, khi trả lời các câu hỏi trong lúc họp báo, Nguyễn Tấn Dũng đã giữ một thái độ tránh né, đến mức độ phải coi là hèn nhát. Như khi một ký giả ngoại quốc nhắc lại rằng trong bài phát biểu Nguyễn Tấn Dũng đã nói việc phải dùng luật pháp quốc tế giải quyết các tranh chấp trong vùng biển. Vin vào câu đó, ký giả này hỏi rằng Nguyễn Tấn Dũng có ủng hộ việc Phi Luật Tân đang nộp đơn thưa kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế hay không?
Ai cũng phải công nhận Tổng Thống Aquino đang sử dụng luật pháp quốc tế khi cần giải quyết các xung đột quyền lợi với Trung Quốc! Trước câu hỏi này, câu trả lời hiển nhiên là ông Aquino làm đúng! Nhưng Nguyễn Tấn Dũng không dám trả lời rằng mình ủng hộ hành động của Phi Luật Tân. Cũng không dám trả lời một cách chung chung, thí dụ, có thể nói rằng, “Việc thưa kiện nhau ra tòa án chắc phải tốt hơn là để các tầu chiến bắn vào nhau!”
Trái lại, Nguyễn Tấn Dũng, sau khi ngồi im nghe lời thông dịch để suy nghĩ, đến lúc bắt đầu nói thì cũng chỉ nhắc lại, một lần nữa, các ý kiến chung chung như “hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển,” vân vân, để chứng tỏ mình vẫn thuộc bài. Sau cùng, câu nói mà mọi người chờ đợi để trả lời người hỏi thì lai nghe rất nhạt nhẽo. Dũng bảo, “Về vấn đề này chúng tôi đã có thông cáo từ trước rồi! Xin phép không nhắc lại, sợ mất thời giờ!”
Ngay cả việc mở miệng nhắc lại nội dung nói rất đại cương của bản thông cáo đó, Dũng cũng không dám nhắc tới. Người ta đến đây đặt câu hỏi cốt để biết ý kiến và thái độ của chính quyền nước Việt Nam, chứ đâu phải đến để nghe chỉ dẫn đi tìm đọc cái gì? Có ai biết bản thông cáo cũ đó có thật không? Nó nói những gì? Nhưng Dũng vẫn giữ vững đường lối: Không nói một lời nào ủng hộ việc chính phủ Phi Luật Tân thưa kiện Trung Cộng! Tức là không nói một lời nào có thể khiến các đồng chí Bắc Kinh nổi giận!
Nhưng các đồng chí từ Bắc Kinh tới vẫn không tha cho Dũng. Một cô ký giả người Trung Quốc đã đứng lên nhân danh nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh để đặt câu hỏi. Cô ta mặc bộ quân phục, với cả hàng huy chương đeo trước ngực! Quả nhiên, cô chính là một thiếu tướng trong quân đội Trung Quốc! Cô nhắc lại một câu Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Ðâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.”
Người Việt Nam nghe hai chữ “đâu đó” đã thấy một thái độ lảng tránh hèn nhát rồi, vì không dám nói thẳng là ai, ở đâu! Nhưng cô thiếu tướng tự xưng ký giả báo Nhân Dân (Bắc Kinh) lại vin vào câu nói của Nguyễn Tấn Dũng mà khiêu khích, đặt thẳng một câu hỏi, đòi Dũng phải nói rõ hơn: Xin ông cho biết rõ ràng khi ông nói câu đó thì ông ám chỉ chuyện gì xẩy ra ở nước nào vậy? Và khi ông nói tới “những hành động trái với luật pháp quốc tế” thì xin ông làm ơn cho biết đó là vi phạm những điều luật nào vậy? Ðúng là một câu hỏi khiêu khích, thách thức xem Nguyễn Tấn Dũng có dám nói thẳng thắn hay không!
Nếu quý vị ở địa vị một vị thủ tướng nước Việt Nam thì quý vị sẽ trả lời sao? Chắc chắn phải nói đến các hành động Trung Cộng cho tàu hải giám chạy vào vùng biển Việt Nam, tầu chiến Trung Cộng đóng vai cướp biển bắn phá tầu đánh cá, bắt cóc ngư dân Việt Nam. Những chuyện đó có thật, cả thế giới đều biết, có gì phải giấu giếm?
Nhưng Nguyễn Tấn Dũng đã không dám nhân cơ hội này vạch ra những vụ vi phạm luật biển quốc tế của chính quyền Bắc Kinh! Dũng lại tiếp tục ca sáu câu đã thuộc lòng: Hòa bình, ổn định, phát triển, tự do hàng hải, vân vân.
Sau cùng, cũng trả lời cô ký giả báo Nhân Dân ở Bắc Kinh bằng cách né: “Chuyện này đã nói có lẽ mọi người đã biết cả rồi, tôi không cần nhắc lại nữa!”
Ðiều nên biết là trong hội nghị lần này, một vị thiếu tướng Trung Cộng khác, Thích Kiến Quốc (Qi Jianquo) cầm đầu phái đoàn quân đội sang dự. Ông ta đã ngang nhiên tuyên bố rằng việc tàu chiến của nước ông đi tuần trong vùng biển Ðông Nam Á là tự nhiên, vì vùng đó thuộc lãnh hải Trung Quốc! Ông tướng chuyên viên ngoại giao, phó tư lệnh quân đội họ Thích đã khẳng định một điều hoàn toàn sai sự thật. Cả phái đoàn Nguyễn Tấn Dũng có mặt hội nghị, nghe nói thế nhưng không ai dám lên tiếng, ít nhất cũng để nói rằng chính phủ Việt Nam không đồng ý với ông tướng này! Sau đó đến lượt nghe cô thiếu tướng phóng viên đặt câu hỏi thách thức giữa làng, giữa chợ, các nhà báo khắp thế giới sẽ nghĩ thế nào khi thấy Nguyễn Tấn Dũng không dám trả lời thẳng vào câu hỏi của cô?
Với tư cách một thủ tướng, người đứng đầu chính phủ một nước đang bị Trung Cộng đè nén, bắt nạt, kinh thường, thì thái độ đó né tránh này chỉ làm nhục quốc thể. Vì tất cả các nhà báo có mặt trong phòng, và hầu hết khán giả coi cuộc phỏng vấn trên ti vi sau này, họ đều biết những gì đã và đang xẩy ra giữa Trung Cộng và Việt Nam. Họ phải biết trước câu hỏi khiêu khích đó, người cầm đầu chính quyền Việt Nam phải nói sự thật ra thế nào. Khi thấy Nguyễn Tấn Dũng né tránh, mọi người phải tự hỏi: Tại sao một thủ tướng nước Việt Nam lại không dám nói thẳng những vụ vi phạm đó ra?
Trước thái độ hèn yếu đó, người ngoại quốc coi ti vi sẽ thấy cái tên viết đặt trước mặt ông Nguyễn Tấn Dũng rất thích hợp, khi hiểu theo nghĩa tiếng Anh. Thay vì viết họ “Nguyễn,” giống như họ ông Chipman ngồi kế bên, không hiểu sao ban tổ chức họp báo lại ghi tên cúng cơm của ông thủ tướng là DUNG. Mà trong tiếng Anh, một ngôn ngữ chính thức của Singapore, thì chữ đó có nghĩa là đồ phế thải, dùng để bón ruộng!
(Nội dung cuộc họp báo của Nguyễn Tấn Dũng có thể coi trên mạng: http://www.youtube.com/watch?v=mk5OZy0QqSg&feature=player_embedded)
No comments:
Post a Comment