Người đàn bà đội nón lá, quai nón là chiếc khăn che nửa
khuôn mặt vẫn không dấu được làn da sạm nắng. Chị ta bán bánh rong. Thay
vì các hàng rong đều chạy xe gắn máy, xe đạp hay xe ba bánh thì chị ta
vẫn đi bộ.
Người phụ nữ lai Pháp nhọc nhằn bán bánh rong kiếm ít tiền sống qua ngày. (Hình: Duy Thức) |
Tiếng rao bánh như đã khàn đi trong con hẻm nhỏ những buổi trưa đứng bóng. Cứ ngày nào cũng thế, chị ta một tay cắp cái xề giống như cái nia nhỏ bên hông, tay kia khoác lủng lẳng một cái xô nhỏ đựng dây thung, giấy báo, bao nylon lớn nhỏ gói hàng…
Thân hình chị ta khá mập nhưng chân lại nhỏ, vừa đi chầm chậm vừa rao. Thời này hàng rong thường rao bằng máy. Xe bán bánh mì, bẫy chuột, đĩa nhạc… đều rao máy. Buổi trưa giờ nghỉ, hẻm nhỏ vắng lặng chứ buổi sáng, làm sao cho khách hàng nghe rõ được tiếng rao giữa muôn vàn âm thanh phố thị náo nhiệt.
Cứ chốc chốc chị ta lại rao:
-Ai ăn bánh bột lọc không, bánh khoai mì, khoai môn, bánh bò, bánh su đây. Ai ăn bánh không.
Cứ lập đi lập lại cái giọng khàn quen thuộc đó nhất là khi chị đi bộ qua ngang các ngôi nhà mở cửa. Một ngày không biết bao nhiêu hàng rong tấp nập khắp nơi.
Nào là anh Trà Vinh bán muối, bà An Giang bán trái cây, xe bán dép và ve chai của chị em Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên… và cả mấy người bán gối, bán ghế dựa, bán lư hương nhang đèn, thậm chí cả ông thợ mài dao ở Củng Sơn ngày nào. Hễ gọi chỉ một lần thì họ nhớ mãi, ngày nào cũng đến mời mua. Giống như các chú bán vé số Bình Định, họ mời đến nỗi khách ê cả mặt, đôi khi thấy họ đi ngang, tôi phải tránh ra sau nhà. Có một con đường hẻm cụt, hàng chục hàng rong qua lại mỗi ngày. Mỗi thứ chỉ kiếm lời vài ngàn rẻ như bèo. Đất Saigon thu hút dân tứ xứ đổ về buôn bán chật vật trong thời buổi kinh tế sa sút nầy.
Hôm nay thấy tôi ngoắc khi thấy bóng chị từ xa, đôi mắt chị bán bánh như sáng lên, gương mặt lộ vẻ vui tươi hẳn. Mặc dầu thế, chị vẫn cố rao thêm một lần nữa trước khi dừng chân:
-Bánh khoai môn đây, bánh bò nước dừa đây, bánh khoai mì đây, bánh da lợn đây, bánh su su đây.
Chị ta chuyên bán các loại bánh hấp, bánh nướng cổ truyền, chỉ riêng su là bánh ngoại. Thứ bánh có nguồn gốc Tây phương này bây giờ phổ biến quá, hàng bánh VN nào cũng đều có bán bánh su cả. Bây giờ người ta kiêng đường nên bánh ngọt vừa phải, không quá ngọt như xưa
Thật ra loại bánh cổ truyền thường không chạy lắm. Cửa hàng nhỏ trong hẻm và trước trường học đều đầy ắp các loại kẹo, bánh ngọt, sô cô la… bao bì thật đẹp đầy màu sắc kiểu cọ đập vào mắt khiến đám trẻ cứ đứng mải mê lựa chọn. Gần đây có loại bánh sốp của Indo hay Mã lai, Trung quốc bán rất hút khách học sinh. Các thùng kem đủ loại, cây dài, hay bịch ngắn đều được người trẻ hoặc lớn tuổi ưa thích. Vì thế mà hàng bánh bình dân sống chật vật.
Người lớn tuổi, lứa người năm sáu mươi trước đây hay mua bánh VN để cúng bàn thờ và ăn trong khi uống trà. Bây giờ bịnh tiểu đường gia tăng nên người ta kiêng ăn bánh ngọt và ngày càng ít cảnh ăn bánh mứt uống trà như các cụ ngày xưa.
Chị bán bánh nặng nhọc ngồi xổm xuống đất, kê chiếc xề lên xô, vừa than thở ngay:
-Đi từ sáng đến trưa trờ trưa trật rồi mà vẫn chưa hết bánh.
Tôi chỉ qua sạp bún ngang nhà mà nói:
-Cô đó bán bún từ sáng đến 9 giờ đã hết sạch. Ngày nào cũng vậy.
Người đàn bà cười nét mặt khắc khổ:
-Đó là sẵn nhà của họ. Thời buổi này dễ gì kiếm được một chỗ cố định cho việc buôn bán nhỏ lẻ. Tiền mướn nhà mắc mỏ khó khăn. Dân nghèo làm gì có vốn mướn chỗ. Mở tiệm buôn bán chịu lỗ vài tháng đến khi bắt đầu có khách thì chủ nhà kiếm cớ lấy nhà lại hoặc tăng giá tiền thuê.
Dân nghèo chỉ bán rong thôi. Tiền không có, chỗ không có, bưng cái xề bánh này đi rã ruột rao khàn cả cổ họng mãi mới có người mua. Đôi khi gặp may mắn nhà ai có đám giỗ cúng kiếng gì đó hoặc người ta đặt hàng mấy chục bánh thì coi như trúng mối, mừng lắm.
Bánh loại nào cũng năm ngàn một cái. Vật giá leo thang, thứ gì cũng đắt đỏ quá nên ai nấy đâm ra tiết kiệm. Thay vì mua cái bánh khoai mì, bánh gan… ăn chơi thì thêm vào mua trứng, mua rau… cho bữa cơm còn hơn.
Tôi lảng chuyện cho chị ta đỡ buồn:
-Làm bánh khó không?
Chị ta trả lời:
-Không khó. Làm hoài quen tay thôi. khoai môn hấp, nhồi chung với bột, nước cốt dừa và đường xong chỉ có việc đặt vô khuôn mà hấp chín là được. Bánh khoai mì thì khoai mì rửa sạch bào sợi rồi bỏ bột năng, bột nếp hay bột gạo vào và đường vào, thêm nước dừa nạo nữa… Nói chung các thứ bánh miền Nam không thể thiếu nước cốt dừa vừa béo vừa thơm.
Tôi nói:
-Hồi nhỏ tôi có đi bán bánh với bà cô ở quê. Cứ chiều chiều bà cô trộn một thau lớn bột và chuối chín bóp cho nhuyễn ra.
Chị bán bánh nói:
-Ngày xưa chỉ cần làm nhuyễn bột và chuối chín rồi bỏ lên nia hấp, hấp thì đặt nia lên cái vỉ trong chảo nước sôi mà hấp. Đến khi bánh chín bốc mùi thơm ngọt sớt. Lúc ấy người ta đem để khô ráo rồi lấy dao xẻ ra từng miếng thành bánh chuối sắp có nhiều tầng, nhiều lớp lên cái nồi to gánh đi bán. Ai đi mua bánh đòi thêm nước cốt dừa cho béo thì múc nước cốt dừa trong cái ca lớn mà rưới thêm vào cái bánh.
Mấy đứa nhỏ ở quê khi mẹ làm bánh xong bu lại ăn cái rìa bánh mẹ cắt để bỏ. Ăn no rồi mỗi đứa đội một cái rổ hay cái sàng nhỏ đầy bánh chuối trên đầu vừa đi khắp xóm ra đến chợ mà bán, hết mới trở về nhà. Tất nhiên là chúng chẳng được học hành gì ráo.
Tôi cười:
-Vậy chị có cho mấy nhỏ ở nhà đi bán bánh này không?
Chị bán bánh lắc đầu:
-Chưa kịp có con, chồng đã bỏ.
Chị bán bánh vốn là con lai Pháp. Nhìn gần thấy chị có đôi mắt sâu, mi dày và sống mũi cao. Gốc gác dân Saigon ở chỗ tuy buôn gánh bán bưng nhưng chị ta vẫn xâm mày và sơn móng chân. Thật ra những thứ làm đẹp này cũng chẳng mắc mỏ gì. Chỉ vài ba chục. Chị sơn móng, xâm mí, xâm mày xách thùng đồ nghề trên tay cũng toàn bạn hàng rong với nhau cả thôi
Sau khi Tây về nước thì mẹ chị, vốn rành bánh trái từ bà ngoại chỉ dạy nên xoay nghề làm bánh. Trước chuyên bán ở bến Bạch Đằng. Cứ hỏi ‘dì Tư bán bánh” thì ở đó ai cũng biết. Nay bà già quá không còn rong dãi dầu được nữa nên chỉ ở nhà phụ đổ bánh để con gái đi bán
Hai mẹ con thuê căn phòng nhỏ ở Bình Thạnh. Hai giờ sáng, họ dậy đổ bánh bò và bánh da lợn, các thứ bánh khác thì lấy mối từ chợ. Thật ra các thứ bánh bây giờ đều có các lò sản xuất bằng máy móc tiểu thủ công nghiệp. Vì biết nghề thì làm thôi chứ tính ra cũng không lợi hơn lấy mối sỉ là mấy.
Mỗi sáng, chị ta bắt đầu từ Bình Thạnh đi bộ rong ruổi qua đường phố, rẽ vào các con hẻm nhỏ ngoằn nghoèo, đến trưa tới Thị Nghè, đầu giờ chiều đến xa lộ hết hàng thì đón xe buýt về. Nếu không thì lại cứ men theo con đường về nhà bán hết hàng mới thôi.
Ngày nào cũng đi một cung đường để giữ khách quen. Nếu họ muốn đặt bánh thì cứ đợi khoảng giờ đó thì chị sẽ đi qua. Trời nắng cực nóng gắt, trời mưa sợ ế. Không có gia đình họ hàng. Dân nhập cư còn có quê nhà để có ngày quay về. Chứ dân Saigon như mẹ con chị thì còn biết đi đâu.
Cứ thế hai mẹ con nương nhau đắp đổi cho qua ngày. Bánh bán ngày nào biết ngày đó. Mỗi ngày mấy chục cái bánh trên chiếc xề nhỏ bán rong thì làm gì có dư cho nổi. Mai mốt già yếu chắc là tìm về một mái từ thiện nào đó…
Tôi trả tiền bốn cái bánh. Chị cầm hai chục ngàn đồng bỏ vào túi cẩn thận và nói:
-Mình đi bán cực khổ, rủi bị rớt tiền hay bị móc túi thì hết vốn.
Cầm gói bánh, tôi lặng yên nhìn theo người bán bánh bước đi nặng nhọc. Không hy vọng một ngày họ đổi đời được đây!
No comments:
Post a Comment