Hỏi trên G+ hôm trước hôm sau đã có mấy bạn cung cấp thông tin, social
network quả là lợi hại :-) Thông tin đầu tiên về MIB hoá ra lại ở trên
chính website của NHNN. Theo link này MIB (và MBES) là ngân hàng được thành lập trong khuôn khổ Comecon
giữa các nước trong khối XNCH từ những năm 1960-1970. Tất nhiên "ngân
hàng" ở thời đó khác rất xa những ngân hàng thương mại hiện nay, hoạt
động cho vay chủ yếu có tính chất giúp đỡ, tương trợ chứ không vì mục
đích kinh doanh. Sau khi khối XHCN (ở Đông Âu) sụp đổ và Comecon tan rã,
cả MIB (lẫn MBES) đều phải loay hoay tìm đường cải tổ. Nhưng có lẽ lý
do quan trọng nhất để hai ngân hàng này còn tồn tại là trên danh nghĩa
một số nước XHCN trước đây vẫn còn nợ nên phải có người tiếp quản xử lý
số nợ tồn đọng đó. Tôi sẽ phân tích kỹ thêm chi tiết này nhưng trước hết
có một điểm thú vị liên quan đến trang web có thông tin về MIB và MBIS
nói trên.
Khi click trực tiếp link thì có vẻ phần highlight ở menu bên trái cho thấy nó phải nằm trong mục "Quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế". Một bản tin năm 2008 và một bản tin khác năm 2010của chính NHNN cũng xếp MIB/MBES tương đương với IMF/WB/ADB như là những tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế. Nhưng nếu bạn click thẳng vào menu này
thì bạn không thể tìm được trang về MIB và MBES mà chỉ có link đến IMF,
WB, ADB. Như vậy có lẽ trang về MIB/MBES trước đây nằm trong menu "Quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế" nhưng bây giờ đã bị xóa. Tìm kỹ hơn thì hóa ra trang này hiện giờ được chuyển sang menu "Quan hệ song phương",
được giấu khá kỹ trong danh sách các nước có quan hệ song phương với
NHNN. Có lẽ MIB/MBES bị "downgrade" khoảng năm 2009-2010, khi mà Báo cáo thường niên
của NHNN không còn nhắc đến 2 tổ chức này như những năm trước nữa. Tại
sao MIB/MBES lại bị "downgrade" như vậy? Có phải NHNN muốn thông tin về 2
tổ chức này bị quên lãng dần đi không?
Thông tin thứ hai mà một bạn cung cấp cho tôi trên G+ là link đến chính website của ngân hàng MIB
hiện tại. Chữ MIB là viết tắt tiếng Nga, còn tên tiếng Anh là
International Investment Bank. Ngân hàng này có status tương tự như WB,
nghĩa là một ngân hàng quốc tế có cổ phần đóng góp từ các nước thành
viên. Hiện tại MIB chỉ còn Nga, Ba lan, Hungari, Bungari, Mông cổ, Cu
ba, Rumani, Sec, Slovakia, và VN. Theo báo cáo tài chính cuối cùng năm
2011 (bản tiếng Anh) Nga nắm 44.7% cổ phần, VN chỉ có 0.327% thấp nhất
trong số các thành viên (sau cả Mông cổ, Cu ba). Vốn điều lệ của ngân
hàng này là 1.3 tỷ Euro, tuy nhiên cho đến cuối năm 2011 các cổ đông mới
chỉ đóng góp vào 214.5 triệu Euro (tôi nghi đây là chuyển đổi từ tiền
rúp của LX cũ). Mặc dù ngân hàng này được phép huy động vốn từ các nguồn
khác như trái phiếu, tiền gửi của khách hàng..., trong 3 năm liên tục
từ 2009 đến 2011 tất cả các thể loại liabilities của nó chỉ quanh quẩn
8-9 triệu Euro. Hệ quả là tổng tài sản không tăng, thậm chí giảm, nếu
không tính phần revaluation tài sản cố định và bất động sản.
Đến cuối năm 2011 trong số tổng tài sản 350 triệu Euro ngân hàng này có
đến 130 triệu cash hoặc bank deposits, nghĩa là 1/3 tài sản chẳng được
đầu tư gì mà để không hoặc gửi các ngân hàng khác lấy lãi. Hơn 50 triệu
Euro được đầu tư vào bất động sản, gần 50 triệu nữa là tài sản cố định.
Hơn 68 triệu đầu tư vào các loại trái phiếu, một nửa là trái phiếu chính
phủ của các thành viên còn lại là trái phiếu doanh nghiệp. Khoảng hơn 2
triệu Euro nữa đầu tư vào cổ phiếu. Số tiền thực sự cho khách hàng vay
chỉ là 50 triệu Euro mà lại có xu hướng giảm dần từ năm 2009 (xem kỹ
trong footnote hoá ra đây là net amount, tổng số tiền MIB cho khách hàng
vay đến cuối năm 2011 là 125 triệu Euro, trong đó có hơn 74 triệu đã bị
coi là NPL, nghĩa là tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 60%). Với cơ cấu tài sản như
vậy có thể nói ngân hàng này thực chất chỉ là một quĩ đầu tư cỡ trung
bình (chỉ một quĩ con của Vinacapital cũng có thể có NAV lớn hơn 350
triệu Euro). Tôi cho rằng đa số tài sản là phần rơi rớt lại từ thời
Comecon, trong đó Cu ba có một số nợ xấu khá lớn.
Rất tiếc website của MIB không cung cấp báo cáo tài chính những năm ông
Bình còn làm việc ở đó. Nhưng không khó để đoán hoạt động của MIB lúc đó
cũng không khác hiện tại là mấy, nghĩa là chủ yếu quản lý số tài sản do
các nước Comecon cũ còn nợ. Hoạt động kinh doanh, đầu tư hầu như không
đáng kể. Các board member của MIB có lẽ chỉ là đại điện cho các quốc gia
thành viên, chủ yếu đi đòi nợ xấu từ thời XHCN. Nếu (thời ông Bình) có
các cố gắng cải tổ lại MIB thành một ngân hàng đầu tư quốc tế như
website NHNN cho biết thì các cố gắng đó dường như đã thất bại. Ông Bình
được làm phó chủ tịch rồi quyền chủ tịch trong khi VN chỉ có 0.327% cổ
phần cho thấy các nước khác không coi trọng vai trò (và lợi ích) của
ngân hàng này.
Số cổ phần ít ỏi của VN chỉ tương được với 700 nghìn Euro vốn góp, hoặc
hơn 1 triệu Euro vốn chủ sở hữu trên sổ sách. Phần lợi nhuận trên sổ
sách năm 2011 mà phía VN được hưởng (1.65 triệu x 0.327%) chỉ hơn 5000
Euro mà chưa chắc sẽ được MIB chia (thực tế MIB có cash flow âm trong
năm 2011 và không chia dividend). Như vậy đóng góp của ngân hàng này vào
ngân sách VN (nếu có) thậm chí còn nhỏ hơn của một công ty nhỏ ở VN
(5000 Euro chỉ tương đương gần 140 triệu VND). Nếu tôi là ông Bình tôi
sẽ đề nghị chính phủ "biếu không" phần sở hữu của VN cho Cuba để giúp
người bạn cũ này trong lúc khốn khó, vừa đỡ cứ vài năm lại phải cử một
cán bộ sang Nga tham gia quản lý MIB (hiện tại đại diện cho VN trong
board là bà Thinh Thi Hong).
Với một ngân hàng như vậy tôi không nghĩ ông Bình học hỏi được nhiều
kinh nghiệm và chuyên môn ngân hàng, nhất là chuyên môn về ngân hàng
trung ương, kể cả khi đảm nhiệm chức vụ quyền chủ tịch. Đây là một mục
trong CV mà đáng ra ông Bình không nên tự hào và đem ra PR cho mình như
vậy.
Ông Bình xuất thân từ vụ Kinh tế đối ngoại (sau này chuyển thành vụ Quan
hệ quốc tế phụ trách các hoạt động liên quan đến IMF/WB/ADB/MIB/MBES)
nên có thể hiểu tại sao ông lại được lãnh đạo NHNN cử đi Nga tham gia
vào board của MIB, một tổ chức đã từng được coi ngang hàng với
IMF/WB/ADB. Ông Bình được cử đi Nga có lẽ còn vì ông đã từng học ở Nga.
Xem tiểu sử chính thứcthấy học vị của ông là Tiến sĩ khoa học, không thấy ghi ngành gì. Tiểu sử trên Wikipedia của ông ghi "Từ
1981-1986, ông Bình học Đại học Toán Kinh tế- Ứng dụng tại Trường Đại
học Tổng hợp tại Liên Xô (cũ), tốt nghiệp tại đây với bằng tiến sĩ",
không thấy tên trường. Lúc đầu tôi nghĩ ông học MGU (vẫn thường biết
đến ở VN với cái tên Lomonosov) hoặc có thể Plekhanov ở Moscow, là hai
trường rất lớn và danh giá của LX cũ. Tuy nhiên search Google thì có thông tin
ông học trường Đại học tổng hợp Kishinhov (KGU) ở Mondovia, một nước
cộng hoà nhỏ của LX. Thông tin ở đây cho biết ông học ngành toán ứng
dụng, còn trên Wikipedia nói ông học toán kinh tế.
Một điểm chưa thực sự rõ là ông Bình tốt nghiệp KGU với bằng gì. Theo lý
lịch chính thức thì ông có bằng tiến sĩ khoa học, đây là bằng docktor
nayuk của LX cũ. Bằng này cao hơn bằng kandidate nayuk (phó tiến sĩ
trước đây, bây giờ gọi chung là tiến sĩ). Những ai đã từng học ở LX cũ
chắc chắn biến lấy bằng tiến sĩ khoa học rất khó, ngay cả sau này trong
giai đoạn lộn xộn LX sụp đổ trong thập kỷ 1990. Nếu ông Bình lấy bằng
tiến sĩ khoa học (doctor nayuk) vào năm 1986 mà ông chỉ bắt đầu sang KGU
học từ năm 1981 có thể nói là một kỳ tích hiếm ai làm được. Tuy nhiên
cả thông tin từ website của hội sinh viên KGU lẫn chính lời ông Bình ("Tôi đã gắn bó với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong toàn bộ quá trình công tác của mình kể từ khi tốt nghiệp đại học") cho thấy ông chỉ tốt nghiệp đại học tại KGU năm 1986. Vậy ông lấy bằng phó tiến sĩ, tiến sĩ năm nào, ở đâu, chuyên ngành gì?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961 năm 1981 vào học ở KGU vậy từ
năm 17 tuổi (tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm hồi đó) đến năm 20 tuổi ông ở
đâu, làm gì? Đi nghĩa vụ quân sự? Học một trường đại học/trung cấp nào
đó ở VN hay một nước nào khác? Giai đoạn 1978-1981 VN có chiến tranh ở
Campuchia và biên giới với TQ, thanh niên tốt nghiệp phổ thông thời đó
nếu không thi đậu đại học phần lớn sẽ vào lính ra chiến trường. Tiểu sử
của ông Bình không thấy nói đã từng phục vụ trong quân đội, mà cũng
không học đại học trong 3 năm đó vậy ông Bình thuộc diện nào mà được
miễn nghĩa vụ quân sự?
Trong bài phỏng vấn ông Bình nói có một giai đoạn ông làm trung gian
giữa các lãnh đạo NHNN và phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó kiêm
nghiệm chức thống đốc. Thực ra ông Dũng về NHNN (mà nhiều người tin rằng
là bước đệm để giúp đưa ông Lê Đức Thúy lên thống đốc) từ tháng 5/1998.
Ông Bình đến tháng 11/1998 "được" điều sang làm phó giám đốc chi nhánh
HN của NHNN. Như vậy thời gian ông Dũng và ông Bình cùng làm việc chỉ
khoảng 5 tháng, chưa kể thời gian làm quen rồi bàn giao, nên không thể
nói là nhiều. Một thành tích mà ông Bình khoe là đã tự "chắp bút" một
phương án điều hành tỷ giá và phương án đó đã được ông Dũng chọn thay vì
những phương án khác của các phòng ban nghiệp vụ (ông Bình làm chánh
văn phòng không được coi là một phòng ban nghiệp vụ). Nhưng cũng chính
vì "thành tích" này mà ông Bình bị một số lãnh đạo của NHNN lúc đó "tỏ ý không hài lòng", chẳng hiểu có phải vì thế mà ông Bình chỉ ngồi ở vị trí rất thân cận với ông Dũng trong vòng 5 tháng hay không.
Sau khi trở về từ ngân hàng MIB, ông Bình giữ chức vụ Chánh Thanh tra
của NHNN từ 2005 đến 2008. Đây là giai đoạn hệ thống ngân hàng thương
mại VN bùng nổ, tăng trưởng tín dụng có những năm xấp xỉ 50%. Trên thực
tế một phần rất lớn tín dụng chảy vào chứng khoán và bất động sản tạo ra
bong bóng trong những lĩnh vực này mà hiện nay trở thành vấn nạn nợ xấu
mà ông Bình đang loay hoay tìm cách xử lý. Trên cương vị Chánh Thanh
tra lúc đó, nếu ông Bình mạnh tay với các ngân hàng, sớm phát hiện ra
những thủ thuật như tuồn tín dụng cho các công ty sân sau, sở hữu chéo
giữa các ngân hàng, thổi giá trị tài sản thế chấp... thì có lẽ hệ thống
ngân hàng đã không tệ như hiện tại. Tất nhiên việc phát hiện sai phạm
trong giới ngân hàng không hề dễ, nhưng dù sao Chánh Thanh tra phải chịu
trách nhiệm nếu đã để các ngân hàng qua mặt. Nhưng tôi biết đòi hỏi
"chịu trách nhiệm" trong hệ thống chính trị VN là một điều khá xa xỉ.
Disclaimer: Tôi chưa từng gặp ông Nguyễn Văn Bình và không có
bất kỳ quyền lợi hay interest nào ở NHNN, ngoại trừ mong muốn nó tốt
lên. Tôi viết bài phân tích này với tư cách một người ngoài cuộc có chút
chuyên môn (và cặp mắt "cú vọ" :-)) nhân đọc bài phỏng vấn có tính chất
PR của ông Bình. Thông tin sử dụng trong bài này lấy từ các websites có
links bên trên vào thời điểm tháng 2/2013.
No comments:
Post a Comment