*
Bài phỏng vấn của Tiền Phong và những đoạn in nghiên, màu nâu đỏ là của Dân Làm Báo.
Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực
TP - “Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực, cả quyền lực chính
trị và quyền lực kinh tế. Không một ông vua, không một chính phủ nào có
thể tồn tại nếu không có dân”- GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa
học Pháp lý trao đổi nhân việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi
Hiến pháp.
GS.TS Lê Hồng Hạnh nói:
Ý nghĩa nổi bật nhất của việc lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chính là sự
thừa nhận ý chí, quyền lực của nhân dân, vị trí tối thượng của nhân dân
đối với nội dung bản tuyên ngôn chính trị pháp lý quan trọng bậc nhất
của nước Việt Nam.
Đoạn mở đầu này đã ngay lập tức không
ngần ngại đi vào mục tiêu tuyên truyền cần phải đạt được cho kế hoạch mỵ
dân của đảng csvn. Nó muốn gieo vào người đọc thiện chí rất tốt đẹp của
đảng csvn. Trên thực tế, nếu dừng lại ngay câu này để đối chiếu với
thực tế sẽ thấy rất rõ: vị trí tối thượng không nằm ở chỗ những người
góp ý. Nó nằm ở trong tay những kẻ quyết định số phận của những góp ý.
Những kẻ đó là đảng viên đảng csvn.
Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực, cả quyền lực chính trị và
quyền lực kinh tế. Không một ông vua, không một chính phủ nào có thể tồn
tại nếu không có dân.
Đây cũng là một loại khẩu hiệu mỵ dân.
Nhân dân vừa là 90 triệu người vừa có thể không là ai hết. Quyền lực của
người dân phải được thể hiện qua những cơ chế đại diện, qua những quyền
hạn chính trị lẫn kinh tế. Nó có thể được hình thành qua các tập hợp
quần chúng, đảng phái chính trị, hội đoàn độc lập. Ở Việt Nam, có một số
dạng hình đại diện hiện hữu. Hơn thế nữa, và hơn rất nhiều quốc gia dân
chủ trên thế giới, nó hiện hữu với cụm từ Nhân dân làm đuôi theo sau
như một bằng chứng về vị trí của người dân. Tòa án Nhân dân, Công an
nhân dân, Quân đội nhân dân, Ủy ban nhân dân... Nhưng tất cả đều do đảng csvn tạo ra, kiểm soát và thống trị bởi đảng viên đảng cs. Đảng cs đã tự lập ra những chủ thể cho 90 triệu nhân dân VN mà mỗi chủ thể trong đó toàn là đảng viên csvn.
"Không một ông vua, không một chính phủ nào có thể tồn tại nếu không có dân."
Câu này đúng nhưng... tầm phào vì nó rất đương nhiên. Không thể có một
chính phủ mà không có dân. Mục đích của câu nói chỉ nhằm để thổi bong
bóng cho người đọc lên tận mây xanh. Thực tế VN: có nhiều ông vua, có
một đảng-nhà nước tồn tại và muốn tồn tại muôn năm trong một xã hội mà
người dân bị cai trị ở mức độ gần như có cũng như không trong lãnh vực quyền lực chính trị, xã hội, kinh tế...
“Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”- triết lý này Nguyễn Trãi nói cách đây hơn 5 thế kỷ rồi. Việc lấy ý kiến về Hiến pháp làm tăng giá trị nhân dân, giá trị dân chủ và tính khả thi của Hiến pháp sau khi được ban hành.
Nếu ai còn mơ màng về mục tiêu của đảng csvn trong chiến dịch góp ý cho đảng, xin đọc lại câu trên của vị Gs. Ts. thật kỹ: "Việc lấy ý kiến về Hiến pháp làm tăng giá trị nhân dân, giá trị dân chủ và tính khả thi của Hiến pháp sau khi được ĐẢNG CSVN ban hành."
Dân phúc quyết Hiến pháp
TP: Trong thảo luận tại Quốc hội, một số đại biểu đề xuất bổ
sung quy định về việc dân phúc quyết Hiến pháp. Phúc quyết, trưng cầu ý
dân là quyền rất quan trọng nhưng chưa được quy định rõ ràng là quyền
hiển nhiên của người dân cần được hiến định. Lần sửa đổi này theo ông
nên được quy định ra sao?
Gs. Ts. Lê Hồng Hạnh: Tôi ủng hộ những ý kiến đó vì những
người đưa ra đề xuất như vậy thực sự muốn bản Hiến pháp có nền tảng dân
chủ, nền tảng xã hội lớn hơn. Hiến pháp là tuyên bố của nhân dân trao quyền cho các thiết chế chính trị thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực được giao phó.
Không phải Quốc hội, không phải Chủ tịch nước, Chính phủ hay Tòa án cho dân quyền này, quyền kia. Chính
nhân dân trao cho các cơ quan này quyền lực và họ có trách nhiệm thực
thi nó phù hợp với ý chí của nhân dân được thể hiện trong Hiến pháp.
Trong suốt bao năm qua, chủ tịch nước,
thủ tướng, chủ tịch quốc hội đều được quyết định "đâu vào đó" bởi một
tập thể 14 người trong BCT của đảng CSVN. Toàn thể quốc hội đều được
quyết định bởi một tiến trình dàn dựng kín kẻ gọi là "đảng cử dân bầu"
mà các nhân tố chủ yếu gồm có đảng csvn và cánh tay nối dài của đảng là
Mặt trận tổ quốc.
Người dân "bị" giao cho sứ mệnh trao
quyền cho các ông bà đảng viên nằm trong các cơ chế nhìn đâu cũng thấy
cờ búa liềm này bởi tổ trưởng dân phố, công an phường lùa vào các phòng
phiếu để nhắm mắt gạch chéo danh sách ứng viên 99% là người của đã được
đảng cử.
Tức là: các thiết chế chính trị có được
nói gì trong Hiến pháp đi nữa, trên thực tế đã bị khống chế hoàn toàn
bởi đảng csvn. Từ đó:
Câu nói "Hiến pháp là tuyên bố của nhân dân trao quyền cho các thiết chế chính trị thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực được giao phó" chính
là mục tiêu mà đảng đã đang bỏ ra bao nhiêu công sức ra để đạt được cho
màn kịch hiến pháp 2013 này (giống như những lần trước). Hiến pháp 2013
trong đó sẽ khẳng định quyền lãnh đạo duy nhất của đảng, sự trung thành
của quân đội đối với đảng, một trong những nhiệm vụ của quân đội là giữ
gìn an ninh xã hội... sẽ là tuyên bố của nhân dân trao quyền cho các thiết chế chính trị (dĩ nhiên là của đảng CSVN).
Không ít người, kể cả đại biểu Quốc hội, nhiều chính khách cho rằng Quốc
hội có quyền lựa chọn và quyết định hiến định những vấn đề quan trọng
của đất nước, ví dụ chọn mô hình nhà nước, chọn chế độ chính trị, vấn đề
sở hữu v.v...
Tôi cho rằng hiểu như vậy chứng tỏ chưa hiểu bản chất của Hiến pháp.
Chỉ có nhân dân mới có quyền lựa chọn và quyết định những điều đó.
Chính vì thế, phúc quyết của nhân dân đối với bản Hiến pháp mới hay Hiến
pháp sửa đổi phải được coi là quyền đương nhiên của nhân dân.
Một lần nữa, thực tế rõ ràng: người dân
chỉ được đảng csvn (qua cơ chế quốc hội với hơn 91,6% thành viên là
đảng viên và 8,4% còn lại đều có quyền lợi gắn bó với đảng cộng sản) cho phép góp ý nội dung hiến pháp. Quyền quyết định nội dung đó như thế nào vẫn hoàn toàn nằm trong tay của đảng csvn. Đảng csvn đang "khiêu vũ" bài "hiến pháp 2013 là phúc quyết của Nhân dân chứ không phải của đảng".
Muốn hiểu bản chất của Hiến pháp thì cần phải nhìn cho rõ thực tế của câu "Chỉ có nhân dân mới có quyền lựa chọn và quyết định những điều đó". Thực tế là nhân dân được cho phép góp ý,
được bật đèn xanh là không có vùng cấm (những ai có đủ kinh nghiệm đau
thương, nhất là không có thẻ đảng trong túi, thì tự động bật đèn vàng
cho nó lành). Thực tế chẳng có ông nhân dân, bà nhân dân nào có quyền
lựa chọn, quyết định. Nó chỉ có được cái quyền dâng kiến nghị và chấm
hết.
Dù có đưa vào Hiến pháp quyền phúc quyết hay không, các cơ quan quyền
lực nhà nước cũng phải có trách nhiệm đảm bảo để nhân dân thực hiện nó.
Đương nhiên chính là ở chỗ đó.
Đảng với tư cách là lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội cũng phải đảm bảo để quyền phúc quyết của nhân dân được thực hiện. Giữa phúc quyết và lấy ý kiến nhân dân có sự khác nhau rất lớn về mức độ đảm bảo dân chủ, sự thượng tôn vai trò của nhân dân.
Tất cả những xảo ngữ chính trị về cái gọi là quyền phúc quyết của nhân dân này tự nó lột trần truồng nó với quan điểm "Đảng với tư cách là lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội cũng phải đảm bảo để quyền phúc quyết của nhân dân được thực hiện".
Nếu nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực chính trị, nếu nhân dân
nắm trong tay quyền phúc quyết Hiến pháp là luật mẹ cao nhất của quốc
gia thì không có một đảng nào có tự cho mình mang tư cách là lực lượng
chính trị lãnh đạo, có tư cách để đảm bảo để quyền phúc quyết của nhân dân được thực hiện cả.
Tôi không thấy có lý do nào để không qui định quyền phúc quyết của nhân
dân trong Hiến pháp sửa đổi lần này. Ngay khi đất nước mới giành được
độc lập, thù trong giặc ngoài bao vây, chống phá, đa số người dân còn mù
chữ, song Đảng và Bác Hồ vẫn chủ trương để nhân dân phúc quyết bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước.
"Đảng và Bác Hồ vẫn chủ trương để nhân dân phúc quyết bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước." Vậy thì nhân dân Việt Nam có được quyền hạn gì là do đảng và bác Hồ của đảng để cho!!!??? Ngay cả việc nói rằng nhân dân phúc quyết bản Hiến pháp đầu tiên cũng là một sự láo khoét, bôi nhọ lịch sử.
TP: Trở lại lịch sử, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định nguyên
lý mọi quyền bính đều thuộc về dân. Nhân dân là gốc của mọi quyền lực,
trong đó có quyền lực nhà nước. Do đó nhân dân phải được quyền quyết
định mọi vấn đề quan trọng nhất của đất nước, thưa ông?
Gs. Ts. Lê Hồng Hạnh: Tôi cho rằng quyền lực của nhân dân trong
dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần thể hiện theo tinh thần và lời văn
của Hiến pháp 1946. Có người cho rằng quay trở lại Hiến pháp 1946 là
không đúng, không phù hợp, thậm chí chệch hướng do bối cảnh ngày nay
khác với thời điểm năm 1946.
Nếu thực sự hiểu đúng dân chủ, hiểu đúng vai trò của nhân dân thì không có sự đoạn tuyệt như vậy được.
Dù ở trong bối cảnh hiện nay, bối cảnh của 100 năm trước hay của 100 năm
sau nếu chúng ta thực sự hiểu đúng bản chất của dân chủ và quyền lực
nhân dân thì tuyên ngôn của Hiến pháp 1946 “Tất cả quyền bính trong nước
là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai,
giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” vẫn hoàn toàn mang tính thời đại.
Một tuyên ngôn thượng tôn nhân dân trong thực thi quyền lực nhà nước in
đậm dấu ấn tư tưởng của Bác Hồ mãi mãi là một thiên cổ hùng văn thể hiện
khát vọng dân chủ của Nhân dân và của Đảng ta.
Giá trị của tuyên bố trên trong Hiến pháp 1946 thiêng liêng chẳng khác
gì tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” mà Lý
Thường Kiệt đọc trên sông Như Nguyệt.
Trở lại Hiến pháp 1946, văn bản mà ông Gs Ts khen ngợi "Một
tuyên ngôn thượng tôn nhân dân trong thực thi quyền lực nhà nước in đậm
dấu ấn tư tưởng của Bác Hồ mãi mãi là một thiên cổ hùng văn thể hiện
khát vọng dân chủ của Nhân dân và của Đảng ta... thiêng liêng chẳng khác
gì tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” mà Lý
Thường Kiệt đọc trên sông Như Nguyệt." là
điều đang đáp ứng ý muốn, tâm lý của nhiều người, trong đó có nhiều
"người cộng sản chân chính". Nhưng điều gì đã thực sự xảy ra, đời sống
xã hội ở miền Bắc Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà đã ra sao dưới cái văn bản
1946 thiên cổ hùng văn đậm dấu ấn tư tưởng của bác Hồ này. Muốn tỏ tường
mời các bạn đọc lại 2 phần sau đây trong loạt bài của Đặng Chí Hùng:
Tất cả đều xảy ra dưới ánh sáng rạng ngời của "Hiến
pháp 1946 thiêng liêng chẳng khác gì tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư” mà Lý Thường Kiệt đọc trên sông Như Nguyệt."
Quyền lực phải được kiểm soát
TP: Theo Hiến pháp, quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân,
quyền lực của Nhà nước là quyền phái sinh, từ nhân dân mà ra, do nhân
dân trao cho. Theo ông sửa Hiến pháp lần này cơ chế kiểm soát quyền lực
cần được quy định ra sao và cần nhấn mạnh những yếu tố nào?
Gs. Ts. Lê Hồng Hạnh: Tha hóa quyền lực, lạm dụng quyền lực là
điều khó tránh nếu quyền lực không được kiểm soát, cân bằng bởi cơ chế
thích hợp. Nguy cơ này trở nên đáng sợ hơn ở những quốc gia đang phát
triển, chậm phát triển. Ở Việt Nam cũng vậy, nếu chúng ta đi sâu vào
thực tiễn kinh tế, xã hội của đất nước.
Ở Việt Nam, nguy cơ này lại đáng kinh
sợ hơn khi mà cả một hệ thống tuyên truyền, phối hợp và khai dụng nhiều
thành phần chính trị khác nhau, tạo ra một cơ chế thích hợp trên giấy
tờ, "bị đóng dấu đồng tình" bởi cái gọi là của nhân dân Việt Nam, nhưng
đảng nắm trọn quyền kiểm soát mọi cơ chế, đứng đầu, đứng đuôi, đứng
giữa, đứng mọi nơi trong các guồng máy hành pháp, tư pháp, lập pháp đều
là "đảng ta".
Thú thực, đôi khi tôi thấy kỳ lạ là ngay nhiều người làm bảo vệ cũng tìm
cách thực thi quyền “cho qua cổng” theo hướng tối đa hóa sức nặng của
nó, chưa nói đến cảnh sát giao thông, nhân viên thuế vụ và trên nữa là
nhiều quan chức cao cấp.
Anh bảo vệ thì có gì kỳ lạ!? Gs. Ts. Lê Hồng Hạnh không biết ở Việt Nam có một nhân vật mang tên đồng chí X?
Với xu thế thích làm quan, thích thể hiện quyền lực như vậy thì lạm
dụng, tha hóa quyền lực là đại vấn đề của bộ máy nhà nước và xã hội ta
hiện nay.
Quyền lực muốn được kiểm soát trước hết phải được phân định rõ ràng, cơ
quan nào thực hiện quyền gì và phạm vi đến đâu, trách nhiệm của các cơ
quan quyền lực như thế nào khi có những vi phạm hay có sự trì trệ, tắc
trách. Theo tôi, Hiến pháp khó có thể qui định đầy đủ và chi tiết song
những điểm sau đây nhất thiết cần phải được hiến định:
Thứ nhất, phải xác định rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp và tạo ra được những cơ chế kiểm soát lẫn nhau có hiệu quả giữa các cơ quan này.
Cũng thứ nhất: bao năm qua, trên giấy
tờ, trên lý thuyết, trong các hiến pháp do đảng csvn tạo ra và tự sửa,
đã có những xác định tương đối về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan
của 3 ngành. Tuy nhiên, trên thực tế thì tất cả đều nằm trong tay đảng,
mọi chức vụ quan trọng đều được tranh giành, thương lượng, chia ghế,
chia phần bởi trung ương đảng và bộ chính trị đảng csvn. Cơ chế tự nó
không biết... nhúc nhích để mà kiểm soát lẫn nhau. Chỉ có con người. Ở
VN không có những con người như thế trong các cơ chế chính trị mà chỉ có đảng viên cs.
Đây là điều kiện tiên quyết cho việc hạn chế tình trạng lạm dụng
quyền lực. Khi không được phân công rõ, không phải chịu trách nhiệm thì
các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước dễ lạm dụng để rồi “khiên và áo
giáp” bảo vệ các cơ quan này khỏi trách nhiệm pháp lý sẽ là “lỗi hệ
thống”, “ý kiến của tập thể”.
Vì thế, dựa vào lý luận phản hồi ở trên, điều mà Ts Gs Lê Hồng Hạnh phán không phải là điều kiện tiên quyết. Điều kiện tiên quyết để hạn chế tình trạng lạm dụng quyền lực là chấm dứt tình trạng độc quyền chính trị của đảng csvn.
Có mấy ai phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai lầm trong thực thi
quyền lực nhà nước nếu như những việc đó chưa đẩy đến mức trách nhiệm
hình sự.
Tức là phải trở thành hình sự mới nhận
trách nhiệm!? Phải nói cho đúng và có văn minh tối thiểu là: trách nhiệm
về sai kém trong thực thi quyền lực nhà nước chỉ có được khi tất cả mọi
người đều bình đẳng trước pháp luật.
Thứ hai, cần tăng cường sự giám sát thực chất của nhân dân. Sự giám sát
của nhân dân, không chỉ là sự thể hiện quyền lực tối thượng của nhân dân
mà còn là sự đảm bảo cho quyền lực nhà nước không bị tha hóa.
Cũng thứ hai: sự giám sát của nhân dân
là một khái niệm trừu tượng. Giám sát chỉ được và phải cụ thể hoá bằng
hệ thống truyền thông báo chí tự do và một cơ chế tư pháp độc lập. Tại
Việt Nam, tất cả nằm trong tay đảng csvn. Do đó, cái gọi là sự giám sát
của nhân dân không những chỉ trừu tượng mà còn là một bánh vẽ trừu
tượng.
Hiện tại, việc giám sát của nhân dân được thực hiện qua các tổ chức
chính trị và chính trị xã hội là chủ yếu và các tổ chức này thì khó có
được ý kiến độc lập thực sự.
Cơ chế giám sát hiện hành còn hình thức và ngay cả việc nhân dân lựa ai
thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước cũng như vậy.
Cần có sự giám sát của nhân dân thông qua các tổ chức phi chính phủ, các
tổ chức xã hội với những ý kiến độc lập, mang tính chất phản biện thực
sự. Với việc sửa đổi Hiến pháp lần này, hãy để cho nhân dân chọn phương
thức giám sát phù hợp với nguyện vọng của mình.
Chính vì không thể, không dám, không
muốn nói về vai trò của tự do báo chí nên Gs. Ts Lê Hồng Hạnh nói đến
một lãnh vực mà thực tế còn tương đối phôi thai trong xã hội Việt Nam.
Hiện nay, đã thành hình một số tổ chức "phi chính phủ", xã hội mà đảng
và nhà nước VN đã dùng chúng cho những tuyên bố trong các đại hội quốc
tế về những tiến triển của VN trong các lãnh vực này. Tuy nhiên, nếu ai
từng hoạt động trong các lãnh vực này đều biết rõ. Tất cả đều bị kiểm
soát và khống chế bởi đảng và các cánh tay nối dài của đảng csvn.
Thứ ba, cần lựa chọn kỹ các thiết chế kiểm soát và cân bằng quyền lực có khả năng phát huy tốt trong điều kiện chính trị xã hội của đất nước.
Theo tôi Kiểm toán nhà nước, Ủy ban bầu cử độc lập là những lựa chọn có
thể phù hợp. Dĩ nhiên, những thiết chế khác cũng hoàn toàn có thể hiến
định nếu phần lớn nhân dân yêu cầu phải có những thiết chế đó.
Thứ ba: điều kiện chính trị xã hội của
đất nước là bị gói gọn, bó chặt, tròng lên đầu bởi cái vòng kim cô điều 4
Hiến pháp. "Good luck" cho nhân dân ta nếu tiếp tục vẫn bị mang cái
vòng oan nghiệt không khác gì Tôn Ngộ Không của Tây Du Ký và đi vào con
đường mà đảng đang dọn sẵn một cách rất thênh thang và rất là "trò khỉ"
này: góp ý cho đảng.