Khi
loan báo việc Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển trao giải Nobel Văn Chương cho nhà
văn Trung Hoa Mạc Ngôn, các bản tin quốc tế thường nhắc đến những tiểu
thuyết nổi tiếng tiêu biểu của ông như Báu Vật Của Ðời, Cây Tỏi Nổi Giận
(tên đặt cho bản dịch tiếng Việt, khác tên gốc).
Nhưng nếu nói đến Mạc Ngôn, cuốn truyện gây ấn tượng mạnh nhất khiến
cho người đọc không thể nào quên được chắc là cuốn Ðàn Hương Hình (Hành
hình bằng gỗ đàn hương).
Trong tiểu thuyết Ðàn Hương Hình, Mạc Ngôn kể rất nhiều kỹ thuật độc
đáo trong lịch sử Trung Quốc khi người ta muốn tra khảo người và giết
người cách nào để nạn nhân đau đớn nhất; những người giầu tình cảm, dễ
xúc động không nên coi. Ðọc cuốn truyện đó, phải khâm phục trí tưởng
tượng của nhà văn, khi ông vẽ ra đủ các phương pháp tra tấn, cách hành
hình độc đáo. Những “kỹ thuật” và “phong cách” trong việc xử tử của các
vua chúa nước mình chưa bao giờ đạt tới những sáng kiến phong phú như
bên Trung Quốc.
Chắc Mạc Ngôn cũng không tưởng tượng ra được hết các chi tiết trong
truyện mà phải rút kinh nghiệm từ những chuyện có thật ghi trong lịch sử
nước ông. Nhưng đọc ông thì người ta phải nghĩ ngay đến những kỹ thuật
hành hạ con người vào thời đại Mao Trạch Ðông còn tiến bộ hơn nữa. Tiểu
thuyết gia phải kể chuyện đời xưa để ám chỉ đời nay.
Ðời Võ Hậu nhà Ðường, ông quan Tố Nguyên Lễ đã sáng chế ra các khí cụ và phương pháp tra tấn gọi tên là Lồng Sắt và Phơi Cánh.
Không thấy tài liệu nào mô tả các hình cụ ra sao, nhưng sử còn chép
là các quan trong triều chỉ nghe đến các tên hình phạt đó đã “thấy rùng
mình.” Nguyên tắc của Tố Nguyên Lễ là hễ bắt một người rồi thì phải tra
khảo sao cho hắn ta phải khai ra hàng chục người khác. Tố Nguyên Lễ đã
dùng lối bắt bớ dây chuyền này mà xử tử cả ngàn người. Sau này, phương
pháp đấu tố, truy tầm phản động của Mao cũng theo quy tắc đó; và số nạn
nhân cao gấp hàng vạn lần.
Một người kế vị Tố Nguyên Lễ là Lai Tuấn Thần, đã phát minh ra những
cách tra tấn kỳ diệu hơn và giết được nhiều người hơn nữa. Khi Tuấn Thần
bị Thái Bình Công Chúa bắt đem giết, những người thù oán ông ta khắp
nơi mừng rỡ. Họ tụ họp quanh giảo đài, chờ sẵn trước giờ hành hình, để
được băm vằm cái xác người chết. Họ còn “tranh nhau róc thịt, chốc lát
thi thể chẳng còn gì nữa.” Những chữ “chốc lát” và “chẳng còn gì nữa”
nghe thật ngắn gọn, chỉ sử gia Trung Quốc mới nghĩ ra cách hành văn xuất
thần như thế.
Việt Nam mình không có những hình quan nổi tiếng giết nhiều người như
bên Trung Quốc. Có thể nói, cách biểu lộ tính ác cũng mỗi nơi mỗi khác.
Thêm một điều nữa chứng tỏ văn hóa nước mình khác với Trung Hoa. Nếu
bắt chước Lev Tosltoi thì nói rằng: “Những người hiền thì ai cũng lành
như nhau, nhưng những kẻ ác có rất nhiều cách ác khác nhau” (nhại theo
câu mở đầu Anna Karenina). Người Việt Nam thua xa người Hán về mặt biểu
diễn cái ác; ít nhất cho tới thời Cải Cách Ruộng Ðất.
Các vị vua đầu tiên ở nước ta đặt hình luật cũng mô phỏng lối bên
Trung Hoa. Ðời Ðường đặt ra năm thứ hình phạt “suy, trượng, đồ, lưu,
tử;” đời nhà Ðinh bên mình cũng đặt ra năm hình phạt. Tội nặng nhất là
tử hình, lại chia ra nhiều cách giết người, tùy theo sáng kiến của hình
quan. Nổi tiếng ác như Lê Long Ðĩnh cũng chỉ hành hạ một ít người chứ
không giết dây chuyền như các lãnh tụ nước Tầu. Ở nước mình cái gì cũng
nhỏ, mà đó cũng là điều may. Nước mình không có Vạn Lý Trường Thành, dân
đỡ phải phục dịch. Một bạo chúa đời Lê mạt dựng một cái nhà lầu bằng gỗ
cao có mấy chục thước mà đã bị sử sách chê là xa xỉ, viên kiến trúc sư
xây lầu cũng bị đời sau sỉ vả. Ở bên Tầu thì khác. Không phải họ ác hơn
người mình, nhưng vì đất nước, lịch sử của hai dân tộc khác hẳn nhau.
Giữa thế kỷ 20, người Việt mình cũng được học và áp dụng cách giết
người rất tàn bạo nhờ các cố vấn do ông Mao Trạch Ðông cử sang. Thí dụ,
trong cuộc Cải Cách Ruộng Ðất, nhiều người Việt cũng đem chôn sống đồng
bào mình, chôn đứng chỉ để hở cái đầu, rồi cho trâu kéo cầy đi qua lại
nhiều lần, đến lúc nạn nhân chết mới thôi.
Khi đọc tin Mạc Ngôn được giải Nobel, tôi kể cho anh Sơn, ông bạn
đang cùng ngồi uống cà phê về cuốn Ðàn Hương Hình và mấy cách hành hình
trong đó - tôi không dám kể đến phương pháp hành hình sau cùng.
Anh bèn kể cho tôi nghe một cảnh chính anh đã chứng kiến. Ông bác anh
đã bị tố là địa chủ, dù chỉ có mấy mẫu ruộng thừa tự. Cụ bị hành hạ
bằng cách chôn xuống đất, chỉ để cái đầu ngoi lên, nhìn thấy cái lưỡi
cầy từ phía trước đang tiến tới cứa cổ mình. Tôi ngây thơ hỏi: “Thế sao
ông không nhắm mắt?” “Nhắm mắt sao được? Chúng nó đập cho, bắt phải mở
mắt ra chứ!” “Nó cầy mấy lần thì cụ chết?” “Không cho chết, thế mới là
tố khổ. Nó bắt người ta phải nhìn cái lưỡi cầy sắc bén trườn trên mặt
đất, ngang tầm mắt mình, như con dao lừng lững tiến tới sắp cứa cổ mình!
Rồi lại chờ cái lưỡi cầy quay một vòng, rồi lại nhắm đầu mình tiến một
tới lần nữa! Mỗi lần nó chỉ cứa đứt một mảng thịt thôi, cho tới lúc ông
cụ kiệt lực ngất xỉu chúng mới ngưng. Vì giết một người đã xỉu rồi thì
chúng không được hưởng cái thú hành hạ người ta nữa.” Ông bác anh bạn
tôi sau đó còn tiếp tục sống mấy tháng trước khi chết, vì bị bỏ đói.
Trong ba tháng sau cùng cuộc đời ông, ông phải sống với hình ảnh cái
lưỡi cầy đang tiến tới trước mặt.
Nhiều người nghe thuật lại những chuyện trên chắc không tin là chuyện
đó có thật. Thi sĩ Hữu Loan, tác giả bài thơ Mầu Tím Hoa Sim đích thân
kể trong một hồi ký, đọc ông thì phải tin. Thời kháng chiến bắt đầu năm
1947, hai cụ song thân bà Hữu Loan từng được phong làm địa chủ cứu quốc.
Nhiều lần họ đã chở gạo nuôi bộ đội sư đoàn 304 của Hữu Loan cho nên
thi sĩ rất biết ơn. Ðến thời Cải Cách Ruộng Ðất, các cụ bị tố là địa
chủ, bị hành hình bằng lưỡi cầy.
Phương pháp chôn đứng người ta rồi giết bằng lưỡi cầy, chắc phải do
các cố vấn Trung Cộng giúp đỡ, hướng dẫn và chỉ đạo trong thời Cải Cách
Ruộng Ðất. Người Việt mình khó có ai lại nẩy ra được những sáng kiến như
thế. Giết một mạng người cũng ghê tay quá rồi; chớ đừng nói trước khi
giết còn hành hạ, tra tấn người ta bằng lưỡi cầy! Ðồng bào với nhau, ai
nỡ giết nhau như vậy. Cho nên chỉ có các cố vấn Trung Cộng mới bày ra
được các phương pháp đó, theo truyền thống Ðàn Hương Hình.
Ông Mao Trạch Ðông đã để lại một di sản đẫm máu trong lịch sử Trung
Hoa nhưng ông không phải là người Trung Hoa tiêu biểu, ông ta cũng không
là một ông hoàng đế tiêu biểu. Nhiều người Trung Hoa rất tốt, như ông
Khổng Tử, hay thi sĩ Ðỗ Phủ chẳng hạn. Ông Mao chỉ là hình ảnh tiêu biểu
của một bạo chúa Trung Hoa. Vì ông sống trong nền văn hóa Trung Hoa cho
nên ông cũng đi tới một chỗ cùng cực của tội ác, mà lịch sử Trung Hoa
sau này sẽ kết án.
Một nhà kinh tế cùng họ, ông Mao Vu Thức (Mao Yushi, sinh 1929), đã
nhận xét rằng: “Trong ba tay giết người tập thể lớn của thế kỷ 20,
Hitler, Stalin, và Mao Trạch Ðông thì Mao đã giết nhiều người nhất.
Chính sách kinh tế tập thể, “Bước Nhẩy Vọt” của ông làm 30 triệu người
chết đói.” Mao Trạch Ðông dùng lý thuyết đấu tranh giai cấp để chiếm
đoạt quyền hành; nhưng Mao Vu Thức nhận thấy, “Ông ta cả đời chỉ lo củng
cố quyền cho mình. Chẳng liên can gì tới đấu tranh giai cấp cả.” Vu
Thức viết: “Không những Mao Trạch Ðông gây đau khổ cho người Trung Hoa,
ông còn xuất khẩu để cả thế giới được chia phần sự tàn bạo của ông ta.
Học trò giỏi nhất của ông là Pol Pot, kẻ giết người nhẫn tâm nhất.”
Trong thời Bước Nhẩy Vọt, Mao đã làm 30 triệu dân Tàu chết đói, chết
bệnh. Ở huyện Tỉnh Nghiên, Tứ Xuyên, năm 1959, vào lúc đói kém nhất, cứ 8
người dân, có một người chết đói.
Khi các địa phương báo lên sản lượng lương thực không những không
tăng mà còn giảm, Mao bèn kết tội dân cả nước “giấu bớt lương thực.”
Hiểu ý của Mao, khu ủy huyện Tín Dương, tỉnh Hà Nam tập họp 6,000 người
để đấu tố 60 người về tội “giấu bớt lương thực” không nộp cho nhà nước.
Ðể chứng tỏ ông Mao bao giờ cũng nói đúng. Nhưng trong cuộc đấu tố này,
chính những người đi dự hôm ấy cũng đang gần chết đói; một người chết
đói tại chỗ, 19 người chết trên đường về nhà. Tỉnh Hà Nam dù chỉ có được
dưới 10 triệu tấn ngũ cốc, vẫn báo cáo lên là thu hoạch hơn 22 triệu
tấn, để chứng tỏ bác Mao giỏi. Năm 1959, trên toàn quốc, theo báo cáo
270 triệu tấn lương thực, thực tế chỉ có 170 triệu tấn; năm 1960 giảm
xuống chỉ còn 143 triệu tấn. Nạn đói tràn lan, nhưng Bí thư Khu ủy Tín
Dương vẫn lên giọng: “Vấn đề không phải là thiếu lương thực! Tới 90% là
vấn đề tư tưởng!” Khu ủy Tín Dương sau đó phong tỏa, không cho dân chúng
ra khỏi làng, sợ họ mang thây ma đói đi ăn mày nơi khác. Theo tài liệu
do Bộ Chính Trị Trung Quốc “giải mật” sau này, những năm ấy Tín Dương có
hơn một triệu người chết đói. Trịnh Ðại Quân, một cán bộ Ban Công Tác
Nông Thôn huyện Sùng Khánh kể rằng, một đội sản xuất có 82 hộ gia đình,
chỉ trong một năm, từ tháng 12 năm 1959 đến tháng 11 năm 1960 trong số
55 bé gái bẩy tuổi trở xuống cùng độ tuổi có 48 em bị người lớn làm
thịt.
Ðối với ông Mao, đó chỉ là những con số thống kê vô nghĩa, mà ông
cũng không đọc các con số đó bao giờ. Khi đọc Ðàn Hương Hình của Mạc
Ngôn, chúng ta phải thấy ông dùng ngòi bút kể chuyện xưa để bắt độc giả
người Trung Quốc phải nghĩ tới hình ảnh cái ác vào thời nay. Ðó là lối
quen thuộc của các tác giả Trung Hoa thời xưa. Những chuyện Liêu Trai
Chí Dị (mà Mạc Ngôn nói đã ảnh hưởng tới ông) kể chuyện ma, nhưng cốt để
nói đến xã hội người sống. Khi các nhà văn nước ta như Nguyễn Huy
Thiệp, Nguyễn Bình Phương tả cái ác thản nhiên trong đời sống hàng ngày
của con người thời nay, họ cũng nhắc mọi người về nguyên nhân gây nên
cái ác.
Vì nước ta cũng được chia phần, nhập cảng nhiều di sản mà Mao Trạch
Ðông. Ðặc biệt là những phương pháp hành hạ người ta bằng cái đói; các
phương pháp kiểm soát tư tưởng từ thường dân đến cán bộ; các kỹ thuật
đấu tranh để tiêu diệt những người mình ghét ở trong làng, trong nước,
và ngay đối với các đồng chí cùng đảng có thể tranh quyền với mình.
Theo kiểu vua chúa Trung Hoa, giết người chưa đủ, còn phải hành hạ,
hành hạ trước đám đông cho sỉ nhục, rồi bắt ôm nỗi nhục đó sống mòn héo
suốt đời cho tới lúc chết. Cùng một phương pháp đó đã được áp dụng từ
cấp trung ương cho tới từng thôn xóm. Trong việc nhập khẩu một phương
pháp giết người, con số người chết lớn nhỏ không quan trọng bằng những
hậu quả tâm lý xã hội. Hậu quả đó là: Hành động giết người tàn nhẫn sẽ
thay đổi cách người ta sống và cư xử với nhau.
Sau khi được chứng kiến những phương pháp giết tróc mới thi hành ngày
này qua ngày khác, thì tâm lý con người phải đổi khác. Cách người ta
đánh giá một con người, quan niệm về mạng sống một cá nhân, ngay cả cách
nhìn người bên cạnh như các con người hay chỉ là những “đối tượng,” tất
cả cái đầu con người thay đổi. Trước đây trông vào mặt ai vẫn cũng thấy
nhau như những người hàng xóm, bà con, đồng bào máu mủ. Nhưng sau khi
được tập cho quen với việc giết những người vô tội, người ta nhìn lẫn
nhau không còn thấy đó là những người làng, hàng xóm, anh em bà con nữa.
Ðược học tập, huấn luyện rồi, chỉ còn nhìn thấy những đối tượng đấu
tranh và căm thù. Nhiều người đã hãnh diện vì biết lột xác, không để
những cảm tình nhân đạo vụn vặt làm vướng ý thức giai cấp, tinh thần đấu
tranh giai cấp của họ. Con tố cáo cha, vợ đấu tố chồng, đó là những nền
nếp văn hóa mới từ Trung Quốc truyền sang. Sau khi được huấn luyện theo
chủ trương của Mao, xã hội nước mình có thay đổi thật. Cả một đội ngũ
văn nghệ sĩ đi làm thơ dạy bảo người Việt Nam, “Chưa biết căm thù thì
chưa biết yêu thương.” Ý kiến đó trái ngược hẳn với những lời dạy của
của Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi: “Ðem đại nghĩa để thắng
hung tàn.” Người ta không thể dùng Ác để làm việc Thiện; chỉ có điều
thiện mới giúp nảy sinh ra điều thiện. Khi đem nhập cảng cái ác của Mao
Trạch Ðông vào nước ta, tức là đã chấp nhận suy nghĩ như ông Mao.
Ðó là một vấn đề văn hóa. Cứ hỏi tại sao nền nếp đạo lý của nước mình
bây giờ bị tàn hoại, trẻ em cũng biết ăn cắp, biết trấn lột lẫn nhau.
Nhiều người lớn đã chấp nhận văn hóa kiểu mới từ hơn nửa thế kỷ rồi. Các
các tai họa đó được người Việt nhìn ra ngay, và có thay đổi. Chúng ta
vẫn còn là người Việt Nam; không thể nào bị Mao hóa mãi mãi! Tuy nhiên,
như Lưu Quang Vũ viết: “Có những cái sai không thể đổi được! Giết người
rồi thì không làm cho người ta sống lại!” Nhưng khi đọc Mạc Ngôn, chúng
ta phải thấy dân tộc mình may mắn, không trở thành một tỉnh của Trung
Quốc!
Ngô Nhân Dụng